Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.000 tỉ đồng
Năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã CK: VIB) có kết quả kinh doanh rất tốt, lợi nhuận trước thuế đạt 10.581 tỷ, tăng 32,1% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra. Vốn điều lệ đã tăng từ 15.531 lên mức 21.077 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 35,7%. Tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 342,799 nghìn tỷ, tăng 10,8% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 239.920 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021. Huy động tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 231.899 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước. Nợ xấu khống chế ở mức 1,79%.
Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, trước kết quả kinh doanh năm 2022 khả quan, các cổ đông đã thông qua đề xuất của ban lãnh đạo tổng mức cổ tức năm 2022 tỷ lệ 35%, thực hiện chi trả trong năm 2023, trong đó 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức tiền mặt (chia thành 2 đợt 10% và 5%). Đây là năm đầu tiên ngân hàng chia cổ tức tiền mặt sau 2 năm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giữ lại lợi nhuận để củng cố an toàn hệ thống, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Đại diện VIB cho hay, năm 2023 là năm thứ hai của giai đoạn 2 (2022-2026) của hành trình chuyển đổi chiến lược 10 năm 2017-2026. Trong giai đoạn này, ngân hàng sẽ tập trung vào: 1) đạt được 10 triệu khách hàng, 2) tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) đạt 20-30%/năm; 3) gia tăng bền vững vốn hóa thị trường.
Để hiện thực hóa những điều này, năm 2023, ngân hàng sẽ tập trung vào việc đưa ra các bộ sản phẩm toàn diện vượt trội; giải pháp sáng tạo, cá thể hóa cho khách hàng và đối tác; công nghệ và ngân hàng số xuất sắc; phát triển con người; thương hiệu hàng đầu; đi đầu trong các chuẩn mực quốc tế; quản trị rủi ro và tuân thủ vững mạnh.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ban lãnh đạo VIB đề ra mức lợi nhuận mục tiêu là 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Tổng tài sản đạt 428.500 tăng 25% so với năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng tăng từ 233.920 tỷ đồng năm 2022 lên 292.500 tỷ vào cuối năm 2023 (tăng 25% tùy thuộc chỉ tiêu NHNN giao). Huy động vốn kỳ vọng đạt 292.600 tỷ đồng, tăng 26,2%; tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%.
Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 21.076 tỷ lên 25.368 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu, VIB dự kiến sẽ phát hành hơn 421 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7 triệu cổ phiếu thưởng cho CBCNV.
Sau khi, việc huy động vốn diễn ra thuận lợi, ngân hàng sẽ dùng 4.091 tỷ để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản; 100 tỷ đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm, nhân sự; đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh 100 tỷ.
Ai sẽ ngồi vào ghế nóng nhiệm kỳ mới 2023-2027?
Nhiệm kỳ VIII (2019 – 2023) của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) VIB sẽ kết thúc vào phiên họp Đại hội Đại cổ đông (ĐHĐCĐ), do đó, VIB cần tiến hành bầu các thành viên HĐQT và thành viên BKS chuyên trách cho nhiệm kỳ IX (2023 – 2027) tại ĐHĐCĐ 2023.
HĐQT VIB nhiệm kỳ mới có cơ cấu gồm tổng số 5 thành viên, trong đó 4 thành viên thông thường, 1 thành viên độc lập.
Có 4 thành viên tiếp tục ứng cử bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ IX (2023 – 2027). Danh sách gồm ông Đặng Khắc Vỹ, nguyên chủ tịch HĐQT VIB; Đặng Văn Sơn, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT; ông Hàn Ngọc Vũ nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; ông Đỗ Xuân Hoàng, nguyên thành viên HĐQT.
Về phía ban kiểm soát ngân hàng, nhiệm kỳ VIII (2019 – 2023) của BKS VIB có 1 trưởng ban là bà Nguyễn Thùy Linh và 2 thành viên gồm ông Đỗ Quang Ngọc và bà Lương Thị Bích Thủy.
Ba thành viên này tiếp tục ứng cử bầu thành viên BKS nhiệm kỳ IX (2023 – 2027). Tuy nhiên, đại diện VIB cho biết, ngày 13/3 bà Nguyễn Thùy Linh, ứng viên bầu thành viên BKS đã có đơn xin rút khỏi danh sách bầu BKS nhiệm kỳ mới vì lý do cá nhân. Sau đó HĐQT đã thông qua việc rút khỏi danh sách của Bà Linh. Như vậy các ứng viên nhiệm kỳ mới của BKS sẽ chỉ còn 2 người. Theo điều lệ của VIB, để đảm bảo thành viên BKS phải có ít nhất 3 người, VIB sẽ bầu bổ sung thành viên BKS vào ĐHCĐ bất thường, dự kiến vào tháng 6 tới.