Ngày pháp luật

ĐHĐCĐ 2023: Lợi nhuận sau thuế của ABBANK đạt 1.352 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%

Trung Hiếu

Trong ĐHĐCĐ thường niên 2023 của ABBANK, ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.352 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% theo phương án chốt năm 2022, định hướng kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm, không ép khách mua bảo hiểm.

Lợi nhuận trước thuế 1.686 tỷ đồng, đạt 55% so với kế hoạch đề ra

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của ngân hàng ABBANK ngày 28/4, một số nội dung đáng chú ý đã được thảo luận bao gồm công bố kết quả kinh doanh năm 2022 cùng với kế hoạch kinh doanh năm 2023.

ĐHĐCĐ 2023: Lợi nhuận sau thuế của ABBANK đạt 1.352 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% - Ảnh 1

Theo đó, trong năm 2022, tổng tài sản của ABBANK ghi nhận ở mức 130.065 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Tổng dư nợ cũng đồng thời tăng 13% lên mức 88.529 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong năm đạt 1.686 tỷ đồng, chỉ bằng 85% so với thực hiện trong năm 2021 và đạt 55% so với kế hoạch đề ra.

Trong đó, tổng thu nhập giảm 81 tỷ đồng nhưng thu nhập thuần từ lãi tăng 700 tỷ đồng, tương đương tăng 23%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm 124 tỷ đồng, tương đương giảm 33%, thu nhập khác giảm 657 tỷ đồng.

Tổng chi dự phòng rủi ro tín dụng (bao gồm dự phòng trái phiếu VAMC) là 777 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với năm 2021 để thực hiện tất toán toàn bộ danh mục trái phiếu VAMC. Tính đến hết ngày 31/12/2022, ngân hàng không còn dư nợ trái phiếu VAMC.

Về chi phí hoạt động, mặc dù chi phí hoạt động toàn ngân hàng năm 2022 tăng 182 tỷ đồng so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 369 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra trong năm 2022.

Trong đó chi phí nhân viên giảm 372 tỷ đồng, tương đương giảm 27% so với kế hoạch. Chi phí tài sản giảm 30 tỷ đồng, tương đương 5% so với kế hoạch. Chi phí hoạt động quản lý công vụ tăng 44 tỷ đồng.

Theo tờ trình về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2022, ABBANK trình cổ đông kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.352 tỷ đồng. Trong đó tổng quỹ phải chia ghi nhận 229 tỷ đồng, bao gồm Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng phúc lợi.

Một trong những thắc mắc đáng chú ý của cổ đông đó là về phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên trong ngân hàng sẽ như thế nào khi mà hiện tại giá cổ phiếu ABB trên thị trường đang thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Cụ thể thì trong phiên giao dịch ngày 28/4/2023, giá cổ phiếu ABB ghi nhận ở mức 8.600 đồng/cổ phiếu.

Về vấn đề này, chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết mục tiêu của ngân hàng trong 5 năm tới sẽ đạt vốn hóa 5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này cần đầu tư dài hạn cho nhân sự nên việc phát hành ESOP này để giúp gắn kết nhân sự với ngân hàng.

Tuy nhiên hiện tại, giá cổ phiếu ABB vẫn đang thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng ngân hàng vẫn sẽ thực hiện ESOP với mức 10.000 đồng/cổ phiếu bởi ESOP là quyền lợi của nhân sự tham gia phát triển ngân hàng và người nhận ESOP cần có niềm tin vào tổ chức chứ ngân hàng không thể phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Sau khi chia cổ tức tỷ lệ 10%, lợi nhuận còn lại chưa phân phối đạt 1.541 tỷ đồng.

Thay đổi đối tác bảo hiểm, dự kiến thu nhập sẽ tăng gấp đôi

Một trong những vấn đề nóng được cổ đông quan tâm đó là câu chuyện về mảng kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng. Chủ tịch ngân hàng ABBANK - ông Đào Mạnh Kháng cho biết một phần nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh năm 2022 của ngân hàng không được như kỳ vọng đó là bởi trong năm 2022, phía ngân hàng không lựa chọn được đối tác bảo hiểm phù hợp và còn phải chi khoản phí 223 tỷ để dừng hợp tác với FWD.

Điều này khiến cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng không những không ghi nhận doanh thu mà còn bị ảnh hưởng bởi khoản chi phí đền cho đối tác nhằm chấm dứt hợp tác và chuyển sang làm việc với đơn vị khác.

Trong năm 2023, ngân hàng với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm sẽ không ép khách hàng mua những sản phẩm không muốn mua mà chỉ chào bán nếu khách hàng thực sự có nhu cầu mua sản phẩm bảo hiểm. Chủ tịch của ABBANK nhấn mạnh rằng ngân hàng cũng đã nhận định việc NHNN cấm các ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm là rất chính xác, nhằm tăng niềm tin cho thị trường.

Về đối tác bảo hiểm của ABBANK thì FWD từng là đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền của ABBANK. Hai bên ký kết thỏa thuận bancassurance vào năm 2016 với thời hạn kéo dài 15 năm. Đến năm 2022, hợp tác này đã kết thúc và dự kiến ABBANK sẽ hợp tác với Dai-ichi Life Việt Nam. ABBANK dự kiến hợp tác này sẽ đưa mức thu nhập thỏa thuận bảo hiểm tăng lên gấp đôi.

Chủ tịch Đào Mạnh Kháng nhận định các sản phẩm bảo hiểm sẽ không thể mất đi và nhu cầu của khách hàng sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhưng ngân hàng sẽ chỉ cung cấp sản phẩm đúng nhu cầu của khách hàng chứ không ép khách hàng sử dụng dịch vụ.

Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm đó là kế hoạch "chuyển sàn" của cổ phiếu ABB. Hiện tại, cổ phiếu ABB vẫn đang được giao dịch trên UPCoM, cổ đông đề nghị có phương án chuyển sang sàn HNX hoặc HoSE để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu.

Chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết trước đó đã xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho HĐQT làm các thủ tục để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chính thức.

Ông Kháng nhấn mạnh khi niêm yết lên sàn mới sẽ có nhiều cơ hội để huy động vốn, tiếp cận với nhà đầu tư mới và cũng là động lực để đạt được các chỉ tiêu tài chính tốt hơn. HĐQT xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho HĐQT thực hiện việc niêm yết khi thị trường có những dấu hiệu thuận lợi.

Đối với triển vọng cổ phiếu ABB trong thời gian tới, chủ tịch ngân hàng cho biết trong năm nay, ngân hàng rất thận trọng trong việc đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh và chú trọng vào mang đến giá trị cho khách hàng trước tiên.

Tin Cùng Chuyên Mục