Sáng 20/4/2022, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã CK: ABB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 với nhiều thông tin quan trọng.
Cụ thể, ban lãnh đạo ngân hàng trình kế hoạch lãi trước thuế 3.079 tỷ đồng, tăng 156%. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) dự kiến nâng từ 19,3% lên 23,33%.
Tổng tài sản mục tiêu đạt 138.250 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2021. Giá trị huy động thị trường 1 dự kiến đạt 95.234 tỷ đồng, tăng 18%, trong đó tiền gửi khách hàng là 94.081 tỷ đồng, tăng 19% và huy động tổ chức tài chính quốc tế là 1.153 tỷ đồng, tăng 89%.
Dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mục tiêu tăng 17%, tương đương đạt giá trị 92.250 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng TMCP An Bình năm 2021 ở mức 1,65%. Tuy nhiên theo kế hoạch năm 2022, ngân hàng dự kiến tỷ lệ này có thể tăng lên mức 2,8%. Như vậy, nợ xấu của ABBank trong năm nay có thể tăng thêm 70% so với năm ngoái.
Về định hướng kế hoạch phát triển các mảng kinh doanh, ngân hàng cho biết năm 2022 sẽ tập trung tăng dư nợ cho các sản phẩm vay mua nhà, sản xuất kinh doanh… đối với khách hàng cá nhân.
ABBank cũng sẽ chuyển đổi tập khách hàng, tiếp tục chuyển dịch tỷ trọng sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở mảng ngân hàng bán buôn, ABBank dự kiến khai thác sâu chuỗi tập đoàn, đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp.
ABBank cũng quyết định chuyển đổi chiến lược và giá trị cốt lõi, thay đổi từ bên trong. Ngân hàng cũng đặt ra định hướng phát triển ngân hàng số hơn nữa để cung cấp cho khách hàng đa dạng dịch vụ và những trải nghiệm tiện ích.
Cũng tại đại hội, HĐQT trình cổ đông xem xét việc niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Đồng thời, đề nghị cổ đồng uỷ quyền và giao HĐQT quyết định, thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB (chuyển từ sàn UpCOM); Thực hiện các hồ sơ thủ tục cần thiết để thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB; Quyết định các vấn đề khác phát sinh liên quan để triển khai thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB.
Hội đồng Quản trị có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công việc theo uỷ quyền nêu trên (nếu phát sinh) cho Đại hội đồng Cổ đông tại phiên họp gần nhất.
Ngoài những nội dung trên, HĐQT ABBank cũng sẽ trình cổ đông thông qua một số nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội.
Nói về việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có động thái siết cho vay bất động sản, Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân cho biết ABBank không gặp khó khăn do phần cho vay lĩnh vực này tại ngân hàng tương đối thấp, cho vay mua nhà để ở chiếm 17%. Khẩu vị rủi ro của ngân hàng được kiểm soát, ngân hàng vẫn còn dư địa để cho vay ở lĩnh vực này.
Trong năm 2021, ban điều hành cũng bám sát thị trường, điều chỉnh kế hoạch, tối ưu giữa huy động vốn và cho vay. Năm qua, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do người dân, doanh nghiệp quay sang sử dụng vốn tự có, khiến nguồn tiền tại các ngân hàng giảm. Đây cũng là tình trạng chung của một số ngân hàng khác.
Năm nay, ngân hàng sẽ xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Theo đó, ABBank sẽ được phép mở rộng tỷ lệ cổ tức và là cơ sở để NHNN tiến tới cho phép chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trong năm 2022, ABBank trình cổ đông tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hơn 94 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10% để trả cổ tức và phát hành 5 triệu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, ABBank có thể nâng vốn lên hơn 10.400 tỷ đồng.
Năm 2021, ngân hàng này đã có hai đợt tăng vốn thông qua chào bán ESOP và phát hành cổ phiếu thưởng. Vốn điều lệ tăng từ hơn 5.713 tỷ đồng lên hơn 9.409 tỷ đồng.