Mới đây, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội. Đáng chú ý, dự luật có quy định về chỗ ngồi của trẻ em trên ôtô.
Cụ thể tại khoản 4, Điều 7 nêu rõ: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m được chở trên ôtô không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.
Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên trường Đại học Việt Nhật, chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết ở nước tiên tiến như Mỹ, Nhật… các nghiên cứu chỉ ra khi có tai nạn, người thể lực thấp, bé khi ngồi ở ghế phụ phía trước có nguy cơ cao đập thẳng đầu vào taplô của ôtô, dẫn đến chấn thương não.
Ngoài ra, đối với các xe có túi khí an toàn, khi có va chạm túi khí sẽ bật ra với lực lớn, nhóm người này sẽ hứng trọn lực tác động vào vùng mặt, đầu. “Đây là quy định có tính khoa học, đã được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên việc thực thi cần đảm bảo nhiều yếu tố đồng bộ”, ông Bình đánh giá.
Lấy ví dụ ở các quốc gia như Mỹ, Đức có áp dụng biện pháp này, ông Bình phân tích cơ quan thực thi của họ có hệ thống xử phạt động bộ, chỉ cần nhập dữ liệu lên hệ thống, cơ quan chức năng có thể biết rõ danh tính, độ tuổi, địa chỉ của cả tài xế và người trên xe.
Đồng thời, chuyên gia từ JICA cũng nhấn mạnh về tính chất nghiêm ngặt khi thực thi ở các quốc gia trên bởi khi tài xế khai báo gian dối về độ tuổi của trẻ em để tránh bị xử phạt, người điều khiển có thể bị xử lý hình sự.
“Ở nước ta, cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, phương tiện không chính chủ còn xuất hiện nhiều dẫn đến việc khó tra danh tính, ngoài ra khi tài xế đi khỏi hiện trường sẽ khó khăn khi truy tìm”, ông phân tích.
Đồng quan điểm, ông Thân Văn Thanh, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, nhận định đề xuất trên khi đi vào thực thi có thể gây tranh cãi giữa tài xế và cơ quan chức năng.
Ông Thanh phân tích quy định hiện nay đối với các em dưới 12 tuổi không có chứng minh nhân dân, việc chứng minh độ tuổi sẽ phải mang theo giấy khai sinh với kích thước lớn. Đồng thời lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ cũng cần trang bị thêm các công cụ đo chiều cao các em. Điều này phát sinh nhiều thủ tục, phiền hà.
“Tôi đánh giá quy định trên mang tính chất chưa được định lượng rõ ràng bằng trực quan. Cơ quan quản lý cần tính toán kỹ khi thực thi nếu không có thể dẫn tới tình trạng tranh cãi, máy móc”, ông Thanh phân tích.
Link bài gốc