Từ học kỳ 2 năm đầu tiên ở Harvard, tôi đã bắt đầu học những lớp mà mình không đăng ký, và gần như không đến học những lớp tôi đã đăng ký nữa – trừ lớp "Nhập môn kinh tế". Môn này khiến tôi bị cuốn hút, và thầy giảng cũng rất hay. Một trong những điều đầu tiên ông dạy là biểu đồ cung cầu, thể hiện sự vận hành của nền kinh tế toàn cầu:
Giả định đầu tiên ít nhiều vẫn đúng với thực tiễn hiện nay: khi cầu về một sản phẩm tăng lên, cung sẽ tăng lên, và giá giảm xuống.
Nếu giá tăng quá cao, cầu giảm xuống. Nơi 2 đường cung cầu giao nhau được gọi là điểm cân bằng. Điểm này rất quan trọng, vì nó tối đa hóa giá trị đối với xã hội. Hàng hóa vừa tầm giá, dồi dào và vẫn mang lại lợi nhuận. Mọi người đều có lợi.
Giả định thứ 2 là tổng chi phí sản xuất tăng khi cung tăng. Ví dụ hãng Ford ra mắt một mẫu xe mới. Chi phí để tạo ra chiếc xe đầu tiên sẽ cao hơn một chút, vì bạn phải bỏ tiền ra thiết kế và chạy thử. Nhưng mỗi chiếc sau đó chỉ đòi hỏi một số lượng vật liệu và lao động nhất định. Vì thế chi phí sản xuất chiếc thứ 10 cũng giống như chiếc thứ 1000. Điều này cũng đúng đối với những thứ chiếm lĩnh nền kinh tế thế giới trong hầu hết thế kỷ 20, gồm cả nông sản và tài sản.
Phần mềm thì lại khác. Microsoft có thể tốn nhiều tiền để phát triển đơn vị đầu tiền của một chương trình, nhưng mỗi đơn vị sau đó gần như không tốn chi phí nào. Không như các hàng hóa làm động lực cho nền kinh tế trong quá khứ, phần mềm là tài sản vô hình. Và nó không phải là ví dụ duy nhất: còn có dữ liệu, bảo hiểm, e-books, và thậm chí cả phim ảnh.
Những bộ phận của nền kinh tế thế giới không còn thích hợp với mô hình cũ cứ thế lớn dần. Và điều này tác động lớn đến mọi thứ, từ luật thuế đến chính sách kinh tế, nhưng nhìn chung các quy luật kiểm soát nền kinh tế vẫn chưa theo kịp. Đây là một trong những xu hướng lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu mà chưa nhiều người chú ý tới.
Nếu muốn hiểu tại sao điều này lại quan trọng, hãy đọc cuốn sách "Chủ nghĩa Tư bản không có Tư bản" của Jonathan Haskel và Stian Westlake. Họ bắt đầu bằng việc định nghĩa tài sản vô hình là thứ mà bạn không thể chạm vào được. Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng đây là một sự khác biệt quan trọng vì ngành công nghiệp sản xuất những thứ vô hình sẽ vận hành khác so với ngành công nghiệp hữu hình.
Haskel và Westlake cũng đưa ra 4 lý do tại sao đầu tư vào tài sản vô hình lại vận hành khác biệt:
1. Nó là một loại chi phí đóng. Nếu khoản đầu tư của bạn không mang lại lợi nhuận, bạn sẽ không có tài sản hữu hình như máy móc để bán thanh lý nhằm thu hồi chút vốn.
2. Nó có xu hướng tạo ra sự lan tràn và dễ bị các công ty cạnh tranh lợi dụng. Điểm mạnh lớn nhất của Uber là mạng lưới tài xế, nhưng sẽ không có gì lạ nếu gặp một tài xế Uber làm việc cho Lyft.
3. Quy mô dễ mở rộng hơn so với tài sản hữu hình. Sau chi phí ban đầu dành cho đơn vị đầu tiên, các sản phẩm có thể được tạo ra vô hạn mà gần như không tốn chi phí nào.
4. Nó có tính đồng vận cực kỳ giá trị cùng với các tài sản vô hình khác. Haskel và Westlake dùng iPod làm ví dụ: Sản phẩm này kết hợp giao thức MP3 của Apple, thiết kế đĩa cứng nhỏ gọn, kỹ năng thiết kế và thỏa thuận cấp phép với các hãng ghi âm.
Không một đặc điểm nào nêu trên thuần túy tốt hay xấu. Chúng chỉ khác biệt so với cách vận hành của hàng hóa hữu hình mà thôi.
Những gì cuốn sách này giúp tôi nhận ra chính là các nhà làm luật cần phải điều chỉnh chính sách kinh tế để phản ánh đúng thực tiễn mới này. Chẳng hạn, các công cụ mà nhiều nước sử dụng để đo lường tài sản vô hình đang hết sức lạc hậu, vì thế họ không có được bức tranh toàn diện về nền kinh tế. Mãi đến năm 1999, Mỹ mới đưa phần mềm vào tính GDP. Thậm chí ngày nay, GDP cũng không tính khoản đầu tư vào những thứ như nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và đào tạo – những tài sản vô hình mà các công ty đang phải đổ rất nhiều tiền vào đó.
Giới đầu tư trước đây đã phải mất một thời gian mới nhận thấy giá trị của các công ty được tạo dựng từ tài sản vô hình. Trong những ngày đầu của Microsoft, tôi cảm thấy như mình đang phải giải thích một điều cực kỳ lạ lẫm với người khác. Kế hoạch kinh doanh của chúng tôi là một cách nhìn khác biệt so với cách nhìn của các nhà đầu tư trước đây về tài sản. Họ không thể tưởng tượng nổi chúng tôi sẽ tạo ra doanh thu như thế nào nếu xét về dài hạn.
Ngày nay, nếu một người cần phải được giải thích tại sao phần mềm lại là một khoản đầu tư chính đáng thì quả là khó tin, nhưng rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ những năm 1980. Và vì thế, cũng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ của mình về nền kinh tế.