Cập nhật lúc 10h45:
Giá vàng miếng SJC tăng lên 57,05 - 55,65 triệu đồng/lượng, tương đương 900.000 đồng so với giá buổi sáng. Cùng lúc này, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đang giao dịch ở mức 56,6 - 55,6 triệu đồng/lượng, tăng 650.000 đồng ở chiều bán ra và tăng 490.000 đồng ở chiều mua vào so với giá buổi sáng.
Vàng trong nước tăng nhanh khi vàng thế giới lấy lại xu hướng đi lên. Vào lúc 10h50, giá kim loại quý giao ngay trên sàn Hong Kong đã tăng hơn 10 USD/ounce, lên 1.950 USD/ounce. Tuy nhiên, mức này vẫn còn khoảng cách khá xa so với kỷ lục 2.074 USD/ounce được lập ngày 6/8.
Trước đó, khi mở cửa phiên giao dịch sáng 20/8, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chỉ 56,15 - 54,75 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng ở cả 2 chiều bán ra, mua vào so với giá chốt phiên chiều qua.
Cùng lúc đó, giá vàng SJC niêm yết tại Tập đoàn Doji cũng giảm tới 1 triệu đồng ở chiều bán ra và giảm 1,4 triệu ở chiều mua vào so với giá chiều qua, hiện giao dịch 55,95 - 54,55 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán là 1,4 triệu đồng.
Trong phiên Mỹ tối 19/8, giá vàng giao ngay của thế giới liên tục đi xuống. Đầu phiên, vàng thế giới duy trì ở mức 1.944 USD/ounce. Thế nhưng, chỉ 4 tiếng sau khi mở cửa, giá kim loại quý đã sụt giảm 45 USD.
Chốt phiên, giá kim loại quý đứng về mức 1.928 USD/ounce, giảm tới 70 USD/ounce so với giá chốt phiên hôm trước. Nếu so với mức đỉnh hôm 19/8 (2.015 USD/ounce), chỉ sau khoảng 24h, giá vàng đã tụt mất 87 USD/ounce.
Ghi nhận vào lúc 7h40 sáng 20/8 giờ Việt Nam, một ounce vàng giao dịch quanh ngưỡng 1.940 USD, tương đương gần 54 triệu đồng/lượng.
Thị trường giá vàng chịu áp lực khi đồng USD xuống giá và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp hồi tháng 7. Trong biên bản cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách Fed không bày tỏ quan điểm tiếp tục ủng hộ việc áp trần với lợi suất trái phiếu.
Cùng với đó, Fed cũng không đưa ra tín hiệu nào về việc sẽ tung ra lượng thanh khoản mà nhà đầu tư vàng kỳ vọng để củng cố giá ở mức trên 2.000 USD/ounce.
Sau biên bản cuộc họp của Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng. Đồng USD cũng tăng 0,8% chấm dứt 5 phiên giảm liên tiếp đẩy giá tiền tệ này xuống đáy 2 năm. Điều đó khiến giá vàng sụt giảm mạnh bởi kim loại quý này được định giá bằng USD nên theo quy luật, vàng thường giảm giá khi tỷ giá USD tăng và ngược lại.
“Thị trường vẫn còn rất bất ổn. Giới hoạch định chính sách muốn có một bức tranh rõ ràng hơn về nhịp sống của nền kinh tế sẽ như thế nào trước khi họ cam kết thực hiện điều gì đó”, Marvin Loh, Chiến lược gia vĩ mô toàn cầu cấp cao tại State Street nhận định.