Ghi nhận lúc 9h ngày 19/8, giá vàng miếng SJC giao dịch tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 57,45 - 56,05 triệu đồng/lượng. So với giá chốt phiên chiều qua, giá vàng thấp hơn 700.000 đồng ở chiều bán ra và giảm 450.000 đồng ở chiều mua vào. Mức giá hiện nay cách mức đỉnh ngày 7/8 là 5 triệu đồng/lượng.
Giao dịch với mức giá cao hơn Công ty SJC, giá vàng SJC của Tập đoàn vàng bạc Doji niêm yết tại 57,9 - 56,5 triệu đồng/lượng (bán ra - mua vào). Chênh lệch mua bán thu hẹp lại ở 1,4 triệu đồng.
Ở thị trường quốc tế, trong phiên giao dịch ngày 18/8, giá vàng một lần nữa chinh phục được mốc 2.000 USD. Thậm chí, có thời điểm giữa phiên giao dịch, giá kim loại quý vượt trên ngưỡng 2.015 USD/ounce do đồng bạc xanh giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Tuy nhiên, sau đó, áp lực chốt lời đã kéo giá mặt hàng này rớt nhanh, có thời điểm chỉ còn 1.976 USD/ounce.
Ghi nhận vào lúc 8h30 ngày 19/8, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn London đứng ở mức 1.998 USD/ounce, tương đương 56,1 triệu đồng/lượng.
Hầu hết các dự báo gần đây đều cho rằng, vàng vẫn đang ở trong một xu hướng tăng giá dài hạn. Vàng có thể đến 2.250 USD/ounce vào cuối năm nay khi lợi suất trái phiếu đang giảm mạnh.
Tuy nhiên, mức tăng của vàng có phần chậm lại khi biên độ dao động chỉ quanh mức 20 USD/ounce. Hiện thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến công bố trong ngày 19/8 để tìm kiếm thông tin về quan điểm của cơ quan này trong việc kiểm soát lợi suất trái phiếu, mục tiêu lạm phát. Nhiều đánh giá cho rằng, thị trường vàng phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định của Fed.
Giá vàng gần đây chịu áp lực giảm là do lợi suất trái phiếu tăng trở lại trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực về hoạt động phát triển vaccine chống Covid. Bên cạnh đó, một số thông tin tích cực về kinh tế Mỹ cũng khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời.