Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), đây là việc cần thiết, đúng thời điểm và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế để phản ánh đúng và đủ quy mô của nền kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Những chỉ tiêu nào thay đổi theo?
Con số GDP bình quân giai đoạn 2010 - 2017 tăng thêm 25,4% so với số liệu công bố sau khi đánh giá lại quy mô GDP lần đầu tiên được xuất hiện trong tài liệu của TCTK gửi các cơ quan báo chí tại cuộc họp giao ban báo chí hôm 27/8. Trước đó, hôm 16/8, tại buổi trao đổi thông tin với một sơ cơ quan báo chí, con số này chưa được công bố.
TCTK cho biết, quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi. bao gồm: Tích lũy tài sản; Tiêu dùng cuối cùng; Tổng thu nhập quốc gia (GNI); Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước (NSNN) so với GDP; Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; Tỷ lệ chi NSNN so với GDP; Tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP; Tỷ lệ dư nợ công so với GDP; Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
Theo Tổng cục trưởng TCTK, ông Nguyễn Bích Lâm, kết quả đánh giá lại quy mô GDP tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế như: Tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong các giai đoạn tiếp theo.
Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.
“Tuy nhiên, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển KT-XH do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ…”- ông Lâm khẳng định.
Đại diện TCTK cũng cho biết, việc đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP: tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Song song với đó, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn.
Sự thay đổi đó còn phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa: tỷ lệ thu NSNN so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi NSNN so với GDP; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.
Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật.
Ngoài ra, quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.
Cần thiết và đúng thời điểm
Lý giải việc đánh giá lại quy mô GDP, theo TCTK, đây là việc cần thiết nhằm đảm bảo theo thông lệ quốc tế và xuất phát từ thực tế là nguồn thông tin phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ.
TCTK cho biết, trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu.
Vòng 1 và vòng 2 là những đánh giá lại ngắn hạn và được các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP. Vòng 3 thực hiện điều chỉnh lớn, thường được triển khai khi có kết quả các cuộc tổng điều tra.
Trong nước, mặc dù nguồn thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu tốt hơn nhưng vẫn chưa đầy đủ về thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP hàng năm. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Trong điều tra thống kê – đây là nguồn thông tin chủ yếu và quan trọng của cơ quan Thống kê, điều tra mẫu hàng năm có thể phản ánh được xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nhưng chưa phản ánh đầy đủ toàn diện về quy mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP toàn bộ nền kinh tế.
Phương pháp thu thập thông tin thống kê truyền thống và những hạn chế, bất cập trong chia sẻ thông tin từ hồ sơ hành chính giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý các cấp dẫn đến số liệu thống kê chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi về quy mô và tình hình KT-XH hàng năm.
Do đó, theo thông lệ thống kê quốc tế, khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc Tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính các cơ quan Thống kê quốc gia sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025…”- đại diện TCTK khẳng định.
Không bình luận con số tăng thêm bình quân 25.4%/năm so với số liệu đã công bố, TCTK đã dẫn chứng một số quốc gia đã có sự thay đổi GDP khi đánh giá lại quy mô GDP, như: Quy mô GDP của Mỹ năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố; Năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Đức tăng 3%; Italia tăng 7%. Năm 2014, GDP của Bulgaria đánh giá lại tăng 31,2%; Rumani và Croatia tăng 28,4%...
Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng tiến hành cập nhật phương pháp luận tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008) theo khuyến nghị cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc và đánh giá lại quy mô GDP giá hiện hành cũng thay đổi đáng kể như: Ghana tăng 60%; Nigeria tăng 59,5%; Maldive tăng 37%; Kenya tăng 25%; Malaysia tăng 3,2%…