Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5449/VPCP-PL ngày 19/7/2023 về việc triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về rà soát hệ thống VBQPPL (Nghị quyết số 101/2023/QH15), trong đó đề nghị: “Các Bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống VBQPPL, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị; phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan.
Công văn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo kết quả rà soát về Bộ Tư pháp trước ngày 20/8/2023; Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trước ngày 30/8/2023.
Thực hiện nhiệm vụ trên, đồng chí Hồ Quang Huy cho biết hiện nay, Cục đang lấy ý kiến một số đơn vị thuộc Bộ về dự thảo Kế hoạch triển khai nhiệm vụ tại Bộ Tư pháp; trình Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh xem xét, ký ban hành Công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức đề nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ; đã hoàn thành và trình Thứ trưởng dự thảo tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện rà soát…
Để chủ động về thời gian, đảm bảo kịp tiến độ, Cục đề xuất tiếp tục kế thừa kết quả rà soát tại một số Báo cáo đã có. Bên cạnh đó, do việc rà soát VBQPPL “lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất” cũng như việc tiếp cận nguồn thông tin liên quan đến nội dung yêu cầu nêu trên là khó khăn, Cục kính đề nghị Bộ trưởng xem xét, báo cáo Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội cho ý kiến về nội dung nêu trên hoặc Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị VKSNDTC, TANDTC, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ chia sẻ, cung cấp thông tin liên quan đến nội dung yêu cầu rà soát hoặc Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị các cơ quan nêu trên chia sẻ, cung cấp thông tin đến yêu cầu rà soát.
Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đề nghị trong quá trình triển khai, nên phân thành 2 nhóm nội dung rà soát để xử lý: Nhóm kết quả rà soát phục vụ các văn bản dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Nhóm kết quả rà soát thuộc các lĩnh vực, văn bản còn lại.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã cho ý kiến về phạm vi rà soát, thứ tự ưu tiên các lĩnh vực rà soát, cách thức tổng hợp, xử lý kết quả rà soát…
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh các đơn vị cần phát huy tính chủ động để bảo đảm về tiến độ và phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội để triển khai các công việc. Đối với lĩnh vực khó, nhạy cảm, Thứ trưởng đề xuất cân nhắc việc Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị VKSNDTC, TANDTC, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ chia sẻ, cung cấp thông tin liên quan đến nội dung yêu cầu rà soát chứ không đi vào từng nội dung, vụ việc cụ thể.
Đồng thời, theo Thứ trưởng, để đảm bảo tính toàn diện, tổng thể, báo cáo không nên chia thành nhóm nội dung rà soát. Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm tra VBQPPL sớm hoàn thiện đề cương báo cáo; các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp đối với lĩnh vực rà soát của mình.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định nguồn thông tin đầu vào rất nhiều, do vậy, cần đôn đốc ngay các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát để kịp thời hạn, đặc biệt phải chú trọng phối hợp ngay từ các khâu thực hiện đầu tiên. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về cách làm, cách thức xử lý các nguồn thông tin liên quan…