Smartphone đầu tiên của Vingroup lộ diện
Một trong những quả bom đáng chú ý nhất tuần là Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ chính thức ra mắt 4 dòng điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart vào ngày 14/12 tại TP HCM.
Sản phẩm được ra mắt chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi Vingroup công bố thành lập Công ty VinSmart. Dự kiến, nhà máy VinSmart có công suất 5 triệu sản phẩm/năm cho giai đoạn 1. Công nghệ của VinSmart được phát triển trên nền tảng do công ty công nghệ Tây Ban Nha là BQ phát triển.
Đại diện tập đoàn này tiết lộ, trong năm nay, VinSmart sẽ tung ra thị trường 4 mẫu smartphone trung cấp và tiến tới trên 10 mẫu điện thoại đa dạng hơn vào năm 2019.
Giới kinh doanh dự đoán, sản phẩm sắp ra mắt của Vinsmart sẽ có giá dao động trong khoảng 2-9 triệu đồng/chiếc. Sản phẩm đang gây nhiều tò mò để xem chiếc điện thoại "made in Vietnam" của ông Phạm Nhật Vượng sẽ cạnh tranh ra sao với nhiều thương hiệu khác như: Samsung, Oppo, Huawei, Xiaomi,...
Đại gia mới nổi Nguyễn Xuân Đông chồng hơn 7.000 tỷ, đánh tan nghi ngờ
Đúng hạn, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Quý Hưng đã thanh toán số tiền hơn 6.823 tỷ đồng cho SCIC để mua 57,71% vốn điều lệ Vinaconex.
Như vậy, ngoài số tiền đặt cọc là 542,9 tỷ đồng, tổng cộng An Quý Hưng đã thanh toán đủ gần 7.366 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 22/11, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), SCIC đã tổ chức buổi bán đấu giá công khai cả lô cổ phần của Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (Mã CK: VCG) do SCIC đại diện chủ sở hữu. Tổng số cổ phần bán đấu giá là hơn 254 triệu cổ phần, tương ứng 57,71% vốn điều lệ VCG. Kết quả, giá đấu thành công là 28.900 đồng/cổ phần.
An Quý Hưng được thành lập năm 2001, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi 2 cá nhân gồm ông Nguyễn Xuân Đông (70%) và bà Đỗ Thị Thanh, vợ của ông Đông (30%).
Trước đó, một số thông tin tỏ ra nghi ngờ khả năng thanh toán của An Quý Hưng khi tổng nguồn vốn công ty này chỉ gần 1.000 tỷ đồng. Nhiều tiết lộ sau đó cho rằng, An Quý Hưng đã phải thế chấp bất động sản và vay ngân hàng để đủ tiền thanh toán.
Cổ phiếu lao dốc không phanh, "vua thép" Trần Đình Long chấp chới trong danh sách tỷ phú
Tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát đã giảm khoảng 300 triệu USD so với hồi đầu năm.
Đầu tuần, một thông tin đáng chú ý trên thị trường là Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 mà không có tên ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG).
Việt Nam chỉ còn ba tỷ phú trong danh sách này là Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo và Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương.
Hồi tháng 3, tên ông Long vẫn có trong danh sách này với tài sản khoảng 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756 thế giới.
Tuy nhiên, sau đó, HGP đã có quãng thời gian tồi tệ khi liên tục lao dốc. Thị giá HPG trong tuần đã có lúc chỉ còn hơn 34.000 đồng, giảm gần 30% so với mức đỉnh hơn 48.000 đồng xác lập đầu tháng 3.
Tuy vậy, chỉ vài ngày sau thông tin ông Long trượt khỏi bảng xếp hạng Forbes, bản cập nhật của Forbes sau đó lại xuất hiện tên ông ở vị trí 1.996 với tài sản 1 tỷ USD. So với bảng xếp hạng hồi đầu năm, khối tài sản ròng của ông Long đã giảm hơn 300 triệu USD, và ông cũng đã giảm 240 bậc trong xếp hạng.
Đổ tiền vào đại gia nhà đất, VinaCapital ăn "trái đắng"
Tuần qua, Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital cho biết đã hoàn tất việc thoái 11,18 triệu cổ phiếu HAR của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền.
Với vùng giá hơn 5.100 đồng/cổ phiếu, VinaCapital đã thu về khoảng hơn 57 tỷ đồng.
VinaCapital bắt đầu rót vốn vào An Dương Thảo Điền từ cuối tháng 10 năm ngoái. Hồi tháng 10/2017, quỹ của VinaCapital đã phải chi hơn 133 tỷ đồng mua lượng cổ phiếu trên và trở thành cổ đông lớn tại HAR với giá 11.950 đồng/cổ phiếu.
An Dương Thảo Điền là đại gia hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân dụng... Đây là cái tên được nhắc tới nhiều hồi năm ngoái sau khi công ty chi gần 214 tỷ đồng để sở hữu 30,88% vốn cổ phần và quyền biểu quyết tại Xà bông Cô Ba. Xà bông Cô Ba là một trong số ít những thương hiệu Việt Nam có lịch sử hàng trăm năm còn lại trên thị trường.
VinaCapital cho biết đã hoàn tất việc thoái 11,18 triệu cổ phiếu HAR của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền.
Sếp Novaland sẵn sàng rút ví 2.300 tỷ mua 36 triệu cổ phiếu NVL
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va - Novaland (NVL) đã thông báo về việc sẽ đăng ký mua vào 36,1 triệu cổ phiếu NVL.
Theo tính toán, để thực hiện kế hoạch nói trên, ông Bùi Xuân Huy sẽ phải chi 2.338 tỷ đồng.
Trước đó, ông Huy chỉ sở hữu 88.862 cổ phiếu NVL. Nếu mua thành công 36,1 triệu cổ phiếu lần này, ông Huy sẽ nâng tổng tỷ lệ sở hữu của mình tại doanh nghiệp này lên trên 4%.
Với Novaland, cổ đông lớn nhất hiện vẫn là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT và nhóm công ty có liên quan đến ông.