Hơn 10 năm trước, dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (tỉnh Bình Thuận) chào đời với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD.
Đây là dự án nhiệt điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm điện lực Vĩnh Tân được Chính phủ đồng ý giao cho Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 (VTEC) phát triển dự án theo hình thức BOT. Sau khi hoàn thành, nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được kỳ vọng góp phần quan trọng trong việc cân bằng cung cầu điện năng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân cho tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận.
VTEC thành lập ngày 15/4/2009 bởi 3 cổ đông là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (29%), Công ty OneEnergy Ventures Ltd (49%) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (22%).
Cuối năm 2013, VTEC ký biên bản thỏa thuận hợp đồng xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 với Công ty Công trình điện quốc tế Harbin (Trung Quốc) với giá trị trên 1,144 tỷ USD. Dự án dự kiến hòa lưới tổ máy đầu tiên vào năm 2018.
Tuy nhiên, vừa qua, một văn bản của VTEC cho thấy ghi nhận chuyển động mới trong nội bộ nhóm cổ đông doanh nghiệp chủ đầu tư dự án này. Cụ thể, các cổ đông trong nước chuyển nhượng cổ phần cho OneEnergy Ventures Limited (Hong Kong, Trung Quốc) để thực hiện dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Theo đó, nếu việc chuyển nhượng này được thực hiện, tỷ lệ sở hữu của OneEnergy Ventures Limited sẽ được nâng lên thành 71% vốn điều lệ.
Được biết, VTEC có số vốn điều lệ 343,89 tỷ đồng (theo đăng ký chứng nhận thay đổi lần 10 vào cuối năm 2019). Doanh nghiệp này, thời điểm các cổ đông có động thái chuyển nhượng, thông báo đang hoàn tất các thủ tục để ký hợp đồng BOT với Bộ Công thương.
Đáng chú ý, UBND huyện Tuy Phong (nơi đặt dự án) nêu ý kiến trong văn bản hồi tháng 12/2020 vừa qua, nếu việc chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong VTEC không có vướng mắc về công tác quản lý người nước ngoài, đồng thời được cục thuế, công an và các sở ngành của tỉnh đồng ý thì sẽ được thống nhất thông qua.
Một chỉ báo khác cho thấy việc chuyển nhượng này sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian: Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 (đã được Thủ tướng phê duyệt).
Theo đó, EVN được xác định vẫn sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, các công ty con sẽ được cổ phần hóa và thực hiện thoái vốn. EVN sẽ thoái hết vốn sau khi hoàn thành dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.
Ngoài nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (1.980 MW) chuẩn bị thi công, tỉnh Bình Thuận còn có Trung tâm điện lực (khí LNG) Sơn Mỹ với tổng công suất 2 nhà máy là 4.500 MW đang chuẩn bị đầu tư, sẽ khởi công sau năm 2020.
Có 1 nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG Kê Gà (3.600MW), thực hiện đầu tư giai đoạn 2025-2035. Đến nay, tổng công suất nguồn điện đã có trong quy hoạch điện lực trên địa bàn tỉnh khoảng 13.700 MW.
Link bài gốc