Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa trình Thủ tướng dự thảo đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu.
Theo đó, cơ quan này đề xuất lựa chọn MobiFone, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Viettel đại diện cho lĩnh vực viễn thông, năng lượng và công nghiệp quốc phòng làm đầu tàu, dẫn dắt doanh nghiệp nhà nước khác hình thành, mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng, giá trị trong nước và quốc tế.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư lý giải, đề xuất này xuất phát từ yêu cầu, định hướng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới, từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Các yếu tố giúp 3 doanh nghiệp trên được lựa chọn gồm: vốn điều lệ trên 1.800 tỷ đồng; có khả năng mở rộng, chi phối thị trường hoặc tăng được thị phần ở mức 30% trở lên.
Những doanh nghiệp trên cũng được đánh giá có hệ thống quản trị tốt, đạt được yêu cầu tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, áp dụng trình độ khoa học công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, đây đều là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc có vốn góp, cổ phần chi phối của nhà nước.
Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất MobiFone là doanh nghiệp tham gia thí điểm vì tình hình tài chính và kết quả kinh doanh tốt nhất trong 3 doanh nghiệp viễn thông (MobiFone, Viettel, VNPT). Đồng thời, doanh nghiệp này có hệ thống quản trị tốt do đã ký được hợp đồng hợp tác kinh doanh với tập đoàn Kinnevik/Comvik của Thụy Điển.
Ngoài ra, định hướng đầu tư của MobiFone là tập trung chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm cho doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.
"Đây là một yếu tố sẽ thu hút các nhà đầu tư, là điều kiện để hình thành chuỗi liên kết và thực hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dữ liệu", dự thảo của Bộ đề cập.
Ở lĩnh vực năng lượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn EVN giữ vai trò dẫn dắt tập đoàn năng lượng nhà nước và tư nhân. Doanh nghiệp có vai trò sản xuất và truyền tải phân phối điện năng.
Hiện sản lượng của EVN chiếm gần 50% sản lượng điện toàn quốc. "Ông lớn" ngành điện cũng được cơ quan quản lý đánh giá là có kinh nghiệm chuyên môn và thực tế đầu tư trong lĩnh vực điện, đặc biệt là năng lượng sạch.
Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, cơ quan nhà nước giao Viettel nhiệm vụ đầu tàu bởi doanh nghiệp này có vị thế trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, đã và đang thực hiện triển khai sản xuất thiết bị quân sự, mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng.
Đồng thời, Viettel định hướng xây dựng, phát triển 3 mảng gồm công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, điện tử viễn thông, an ninh mạng. Mục tiêu của doanh nghiệp này từ nay đến năm 2025 là nằm trong top 80 doanh nghiệp có doanh thu hoạt động quốc phòng cao trên thế giới.
Để triển khai mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các giải pháp cho 3 doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ ưu tiên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa MobiFone, đưa doanh nghiệp vào danh mục cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do nhà nước nắm cổ phần, vốn góp chi phối. Cơ quan này nhấn mạnh, không lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài cho nhà mạng này.
Với EVN, Bộ khuyến khích SCIC cùng phối hợp để đầu tư dự án năng lượng tái tạo, có sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN).
Đối với Viettel, cơ quan quản lý đề xuất tập trung nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Quỹ sẽ được sử dụng để phục vụ hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp quốc phòng. Đề án cũng đề xuất hình thành quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho Viettel, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành.