Tăng cường "sức đề kháng" bằng công nghệ số
Theo kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) , các doanh nghiệp Việt Nam đang hồi phục nhanh chóng hoạt động kinh doanh khi nhiều công ty bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch. Mặc dù doanh số chung sụt giảm 36% so với cùng kỳ năm trước nhưng kể từ tháng 6 dấu hiệu cải thiện đã xuất hiện. Tuy nhiên, quá trình hồi phục lại không đồng đều.
Để thích nghi với những biến động của nền kinh tế trong thời dịch, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường khả năng thích nghi với hoàn cảnh khi ứng dụng chuyển đổi công nghệ số. Kể từ tháng 6, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng hoặc tăng cường sử dụng công nghệ số đã tăng từ 50% lên 60%. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng cùng với các doanh nghiệp lớn trong đầu tư vào các nền tảng số.
Ngoài ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kinh tế, tập trung vào việc giãn thời hạn nộp thuế và các khoản khác. Kể từ sau tháng 6, mức độ nhận biết về gói hỗ trợ của các doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể với tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tăng mạnh 10%.
Thách thức khi tiếp cận nguồn vốn và thay đổi chuỗi cung cầu
Mặc dù quá trình phục hồi có nhiều tín hiệu khả quan nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức chung từ việc thay đổi chuỗi cung cầu và khả năng tiếp cận nguồn vốn.
WB chỉ ra khoảng 40% doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn gặp khó khăn do nguồn cung sụt giảm, dẫn đến 10% đơn vị phải hủy hợp đồng bán hàng do không đủ vật tư đầu vào. Vấn đề vận chuyển cũng gặp nhiều thách thức khi thời gian chờ đợi kéo dài cùng với nhiều vấn đề liên quan đến kho vận.
Đặc biệt những doanh nghiệp sử dụng vật tư nhập khẩu, nhất là Trung Quốc, chịu tác động nặng nề hơn khi chuỗi cung ứng gián đoạn. Riêng các doanh nghiệp lớn thì ít gặp vấn đề liên quan đến nguồn cung ứng đầu vào hơn.
Bên cạnh đó sự thay đổi trong chi phí sản xuất cũng ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp. Trong khi 19% doanh nghiệp được khảo sát cho thấy chi phí sản xuất tăng lên khoảng 14% thì 13% số đơn vị khác cho biết chi phí sản xuất đã giảm 20%.
Mặc dù tình trạng thanh khoản đã cải thiện nhưng tình trạng đọng nợ vẫn có nguy cơ gia tăng tại nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ khác (không bao gồm bán lẻ, bán buôn).
Theo đánh giá của WB, hiện có trên 60% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính do vướng phải lãi suất cao, rủi ro trả nợ và thiếu tài sản thế chấp. Trong đó thiếu tài sản thế chấp là trở ngại lớn nhất đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãi suất cao và rủi ro trả nợ là vấn đề chung mà các doanh nghiệp đều phải đối mặt.
Do đó phần lớn doanh nghiệp khảo sát đã hạ mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng tiếp theo. Các đơn vị này dự kiến doanh số sẽ giảm từ 11-51% và việc làm giảm 7-61%. Với những doanh nghiệp sụt giảm doanh số nhiều, mục tiêu tăng trưởng của họ càng hạ thấp hơn.
Khảo sát đợt 2 về tác động của đại dịch Covid-19 lên doanh nghiệp Việt Nam được WB thực hiện từ tháng 9-10/2020 với 501 doanh nghiệp tại 15 tỉnh thành. Kết quả báo cáo nhằm đánh giá hiện trạng hồi phục kinh tế tại Việt Nam thông qua hoạt động của doanh nghiệp, các chiến lược thính ứng và khả năng tiếp cận hỗ trợ của chính phủ.