Mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp phải giải thể, con số cao nhất trong 5 năm

Giang Phạm

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể trong 11 tháng đầu năm có quy mô vốn nhỏ và thời gian hoạt động ngắn.

Theo Tổng cục thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, tính chung 11 tháng có gần 93.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập.

Gần 44.400 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất từ 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả lĩnh vực. 

Hầu hết doanh nghiệp chọn phương án này có thời gian hoạt động ngắn, một nửa là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán buôn, bán lẻ, bất động sản, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống có tỷ lệ ngừng kinh doanh cao nhất. 

Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng đầu năm ghi nhận 124.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế 1,88 triệu tỷ đồng. Quy mô vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng ghi nhận ở mức cao, 40.800 doanh nghiệp, tăng 10,7% so với 11 tháng năm 2019. Như vậy, bình quân mỗi tháng có 15.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Hai ngành có số doanh nghiệp đăng ký mới trong 11 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ là sản xuất, phân phối điện, nước, gas và nông lâm nghiệp, thuỷ sản. Ngành dịch vụ việc làm, du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm mạnh. 

Tin Cùng Chuyên Mục