Ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới
Dịch Covid-19 hiện đã được coi là đại dịch toàn cầu và có tác động rất mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô toàn thế giới.
Theo đánh giá của IMF, trong năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm về mức 2.1% so với mức tăng của năm ngoái là 3%. Tuy nhiên theo MBS đánh giá mức độ ảnh hưởng có thể mạnh hơn khiến tăng trưởng toàn cầu xuống dưới mức 1.7% do động lực tăng trưởng tại các khu vực EU, TQ, Nhật Bản và Mỹ đã suy giảm từ năm trước.
Kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ có quý 1 tăng trưởng âm do sản xuất đình trệ (PMI sản xuất xuống dưới mức 30 điểm), sản xuất công nghiệp suy giảm trên 13%, doanh thu bán lẻ suy giảm trên 20% trước khi phục hồi vào các quý sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát kể từ tháng 3. Chốt năm 2020, tăng trưởng GDP của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ở mức 4.5%.
Kinh tế Nhật Bản sẽ bước vào một đợt suy thoái kỹ thuật khi quý 4 năm 2019 đã suy giảm 0.7% so với cùng kỳ và sẽ suy giảm tiếp vào quý 1 năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm vào năm 2020.
Kinh tế EU nhiều khả năng sẽ suy thoái do dịch bệnh sẽ bùng phát hạn chế sản xuất và thương mại trong 2 tháng tới. Các nền kinh tế chính yếu của EU như Italia, Tây Ban Nha, Đức đều đã có dấu hiệu suy yếu tăng trưởng từ 2 quý trước và do đó nhiều khả năng sẽ bước vào hai quý tăng trưởng âm do ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch bệnh bùng phát và các biện pháp phong tỏa của Chính phủ. Kinh tế khu vực EU nhiều khả năng tăng trưởng âm 0.4 – 0.5% trong năm 2020.
Kinh tế Mỹ hiện tại khá mạnh mẽ trong hai tháng đầu năm song với sự suy giảm kinh tế chung toàn cầu, Mỹ cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng, bên cạnh đó Mỹ cũng phải áp dụng một loạt biện pháp phong tỏa để hạn chế dịch bệnh do đó ước tính tăng trưởng giảm đáng kể về mức 1.2% trong năm 2020.
Nền kinh tế toàn cầu chỉ phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Mỹ và Nhật.
Ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam
Về tăng trưởng GDP
Các tác động nặng nhất sẽ rơi vào các lĩnh vực du dịch và hàng không. Ngoài ra do sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu nên các lĩnh vực xuất khẩu của sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2020.
Lĩnh vực du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong thời điểm dịch bệnh tăng cao từ tháng 2 đến hết tháng 4 (theo dự đoán của chúng tôi) lượng khách du lịch nước ngoài sẽ giảm 50%, khách du lịch nội địa sẽ giảm khoảng 30-50% trong các tháng diễn ra dịch bệnh và sẽ giảm khoảng 15% tính theo cả năm. Tổng cục du lịch ước tính thiệt hại về doanh thu khoảng 5-7 tỷ USD, tuy nhiên chúng tôi cho rằng sức cầu nội địa sẽ tăng trở lại nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát và do đó thiệt hại sẽ ở mức khoảng 4 tỷ USD.
Lĩnh vực hàng không bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19 này.
Lĩnh vực hàng không hiện đã phải giảm khoảng 40-50% chuyến bay cả quốc tế lẫn nội địa trong các tháng dịch bệnh và ước tính thiệt hại sẽ khoảng 1 tỷ USD theo đánh giá của các công ty hàng không.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đã giảm và chỉ đạt mức 2.4% so với mức 7% ước tính trước đó. Chúng tôi đánh giá xuất khẩu sẽ phục hồi khi dịch bệnh được kìm chế và có thể tăng 5.5% trong năm nay. Tham chiếu kim ngạch xuất khẩu của năm 2019 là 264 tỷ USD thì mức độ ảnh hưởng sẽ là khoảng 3.96 tỷ USD. Tuy nhiên mức ảnh hưởng đến GDP sẽ nhẹ hơn do nhiều nguyên liệu của hàng xuất khẩu xuất sứ từ nước ngoài chúng tôi tạm tính mức phần trăm là 50%, và mức GDP suy giảm do xuất khẩu giảm sẽ là 1.98 tỷ USD.
Sự suy giảm ở các lĩnh vực này sẽ kéo theo sự suy giảm tại các lĩnh vực khác do ảnh hưởng bởi cầu suy giảm. Mức độ tác động rất khó đánh giá tuy nhiên chúng tôi tạm tính hệ số nhân là 1.45 lần (tham khảo của một số quốc gia khác).
Như vậy tổng mức suy giảm GDP trong năm nay dự kiến là 1.45 * 6.98 = 10.1 tỷ USD.
So sánh với quy mô GDP dự kiến của Việt Nam (mức GDP đã được tính lại) là khoảng 320 tỷ USD. Mức độ suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế là khoảng 3% do đó tăng trưởng GDP theo ước tính trên là khoảng 4% trong năm 2020.
Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN Việt Nam trong năm 2020 chắc chắn sẽ tung ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế như giảm lãi suất và giãn hoãn thuế cho các doanh nghiệp. Kế hoạch giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh do đã được đề ra từ đầu năm trước cả khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nay có dịch bệnh thì càng làm nhanh mạnh hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bản chất các cú sốc bên ngoài không xuất phát từ cơ cầu kinh tế yếu kém như covid 19 thường chỉ làm nền kinh tế gián đoạn tạm thời. Khi dịch bệnh qua đi thì nhiều ngành sẽ tăng nhanh trở lại để bù đắp cho sụt giảm trước đó.
Với các lý do trên, chúng tôi đánh giá Việt Nam vẫn có thể đảm bảo mức tăng trưởng xấp xỉ 5% trong năm 2020. Mức này có thể giảm xuống 4.7%-4.8% nếu các nước EU không khống chế được dịch bệnh vào cuối tháng 5 năm 2020.
Về áp lực lạm phát
Áp lực lạm phát tăng cao trong quý 4/2019 và đầu năm 2020 do giá thịt lợn tăng mạnh kéo theo sự tăng giá của các hàng hóa và dịch vụ khác khiến mục tiêu lạm phát dưới 4% của Quốc Hội trong năm 2020 sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên sẽ không có tình trạng lạm phát mất kiểm soát.
Việc kiểm soát tín dụng trong giai đoạn 2018-2019 của NHNN và các yếu tố bên ngoài như dịch cúm corona tại Trung Quốc khiến nhu cầu suy giảm làm giảm giá cả hàng hóa cơ bản và qua đó giảm áp lực lên lạm phát.
NHNN đã chủ động giảm tăng trưởng cung tiền trong năm 2018 và 2019 với mức cung tiền trong 2 năm 2018-2019 là khá vừa phải (dưới mức 14%) không cao hơn đang kể so với mức tăng GDP danh nghĩa là từ 10-11%. Lượng cung tiền dư tiềm ẩn tạo rủi ro khiến lạm phát có thể tăng lên trong 2020 là không nhiều.
Các mặt hàng dịch vụ công sẽ không gia tăng nhiều như năm 2019 về xăng (do năm 2019 Chính Phủ đã tăng thuế bảo vệ môi trường 1000 VNĐ/lít và giá dầu thô giữ ở mức thấp vì kinh tế Trung Quốc suy giảm nên năm 2020 giá xăng sẽ duy trì ổn định), y tế (vẫn tăng theo lộ trình), điện (đã tăng 15% trong năm 2019 nên năm 2020 sẽ chỉ tăng nhẹ ) sẽ khiến cho áp lực lạm phát chi phí đẩy 2020 sẽ giảm so với 2019.
Nguồn cung thịt lợn sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi sản xuất thịt lợn có dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp sản xuất lớn tăng cường tái đàn và chính phủ gia tăng nhập khẩu thịt lợn thành phẩm nhằm mục tiêu ổn định giá. Áp lực lên giá thịt lợn sẽ suy giảm và tác động của giá thực phẩm lên chỉ số giá tiêu dùng sẽ hạn chế khiến áp lực lạm phát sẽ giảm dần từ thời điểm quý 2/2020.
Giá dầu và giá hàng hóa cơ bản giảm mạnh giúp lạm phát do chi phí đẩy suy giảm trong năm 2020. Điều này tác động tích cực, làm giảm nhẹ áp lực lạm phát của Việt Nam.
Lạm phát trong năm 2020 nhiều khả năng dao động quanh mức 3.5% - 4%.
Về tỷ giá VND/USD
Tỷ giá VND/USD nhiều khả năng tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ trong năm 2020, tức là VND vẫn tiếp tục giảm giá so với USD. Xét về yếu tố cơ bản so sánh chênh lệch lạm phát giữa hai quốc gia (Mỹ xoay quanh 2% và Việt Nam là 4%) thì mức giảm giá hợp lý của VND so với USD năm 2020 khoảng 2% là hợp lý. Tuy nhiên, do FED đang áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nên có khả năng đồng USD sẽ suy yếu đi dẫn tới VND sẽ không mất giá nhiều so với USD.
Ngoài ra Mỹ cũng nhiều lần gây sức ép đối với Việt Nam khi Việt Nam nhiều năm đạt thặng dư thương mại với Mỹ do đó NHNN Việt Nam sẽ không thể làm VND mất giá nhiều trừ trường hợp chịu sức ép mạnh mẽ về nguồn cung USD và lạm phát.
Với các yếu tố trên, tỷ giá VND/USD sẽ tăng khoảng 1.5% trong năm 2020 là hợp lý tương đương với việc VND mất giá khoảng 1.5% so với USD.
* Phân tích của MBS