4.000 ha “nữ hoàng các loại hạt”
Ông Chiến vốn là kỹ sư ĐH Kiến trúc Hà Nội, từng lăn lộn nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng. Cơ duyên một lần tình cờ xem truyền hình biết chủ trương của Nhà nước muốn phát triển cây macca, đặc biệt là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất quan tâm muốn đưa macca thành cây chiến lược quốc gia, xóa đói, giảm nghèo.
Tò mò về loại cây có hạt được xếp vào nhóm những loại hạt ngon nhất thế giới và cũng là loại thực phẩm có giá trị cao, còn dùng để làm đẹp, ông tự tìm hiểu tài liệu, tham vấn những nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam và cây macca như GS Nguyễn Lân Hùng, GS Hoàng Hòe...
Từ kết quả nghiên cứu chuyên sâu và tâm huyết của các nhà khoa học, từ niềm đam mê của bản thân, ông Chiến quyết định rẽ hướng sang đầu tư cây nông nghiệp. Trong đó chọn cây giá trị kinh tế cao là macca.
Thời gian đầu ông và các cộng sự rất vất vả vì có đam mê nhưng không có kiến thức nông nghiệp. Có ý tưởng nhưng chưa có đất, tài chính, con người, bộ máy... Tất cả đều phải xây dựng từ đầu.
Ông Chiến nhận thấy đầu tư nông nghiệp ở Việt Nam từ trước đến nay vốn rủi ro, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Nếu đầu tư không bài bản thì không theo được các quy trình chuẩn để tiếp cận các thị trường khó tính. Vì thế nhiều “đại gia” khi có điều kiện kinh tế vững vàng mới quay lại đầu tư nông nghiệp.
Nhiều lần ông tìm người đi trước để học hỏi kinh nghiệm, miệt mài ông đến xin ý kiến các nhà khoa học. Càng tìm hiểu ông càng hi vọng vào macca, loại cây trồng một lần nhưng thu hoạch nhiều năm.
Đặc biệt, vùng Tây Bắc có thổ nhưỡng, nhiệt độ, độ cao rất phù hợp. Chủ trương Nhà nước và các nhà khoa học đều mong muốn đồng hành cùng những DN đầu tư nông nghiệp bền vững, không chỉ đưa “con cá” mà còn giúp bà con Tây Bắc có “cần câu” thoát nghèo.
Ông Chiến càng tăng thêm tin tưởng khi biết trước đây nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng tặng cây macca cho các tỉnh trồng thử nghiệm. Trong đó ở Điện Biên có những cây được mang ra vỉa hè trồng đã chục năm. Cây nở hoa, kết trái, người ta tò mò nhưng không biết cây gì, không dám động tới. Loại cây “nữ hoàng” này cứ thế tồn tại mạnh mẽ trên đường phố.
Sau khi được tỉnh Điện Biên cấp phép, năm 2015 Công ty CP Macadamia tỉnh Điện Biên (ông Chiến là cổ đông) 4.000ha đất ở huyện Tuần Giáo để trồng macca. Đến nay đã trồng phủ 2.000ha ở 6 xã của huyện. Đây là một trong những dự án lớn nhất với loại cây này ở Việt Nam. Cây đã bước sang năm thứ tư, bước đầu bói quả rất sai.
Năm 2017, khi cây macca mới được 1 năm tuổi, ông Chiến đã bắt đầu chuẩn bị khâu đầu ra sản phẩm. Không thể để một vùng nguyên liệu lớn phụ thuộc vào thương lái, ông xây dựng thương hiệu riêng, thành lập Công ty Macca VIP. Cái tên gọi ngay từ đầu đã gửi gắm khát vọng về thương hiệu macca Việt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cao cấp của những khách hàng khó tính.
Cây macca tại Điện Biên hiện đã bói quả năm đầu. Ông Chiến chia sẻ đang thí nghiệm áp dụng công nghệ bắt quả như ý trên 6 nghìn cây, mỗi cây cho sản lượng 5kg quả. Nếu thành công sẽ bắt quả trên diện tích 60 nghìn cây. Hiện các chùm quả đang đậu vững chắc, hứa hẹn thành công.
Một vườn macca trồng xen đàn hương tại Điện Biên.
Song song quá trình xin cấp phép dự án ở Điện Biên như trên, ông Chiến cũng cũng tiến hành trồng khảo nghiệm thêm tại một số diện tích ở xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Trên lý thuyết, macca năm thứ 4 bắt đầu bói quả, năm thứ 5 thu hoạch khoảng 5kg/cây, năm thứ 7 khoảng 20kg. Từ năm thứ 8 bắt đầu thu hoạch ổn định, tăng đều. Chưa biết chính xác một đời cây macca có thể thu hoạch đến bao nhiêu năm, nhưng ở quê hương của giống cây này là nước Úc, mỗi cây đã thu hạt đến 100 năm mà chưa phải thay.
“Cuộc hôn nhân” với “vương mộc” đàn hương
Sau khi đã bước đầu thành công với macca, khi nghe về loại cây đàn hương được mệnh danh là “vương mộc”, là quốc bảo của Ấn Độ, ông Chiến tò mò tìm hiểu và nhanh chóng bị chinh phục bởi những giá trị đa dạng. Trùng hợp khi đây là cây bán kí sinh phải trồng xen cây khác, ông nghĩ ngay đến việc kết hợp macca với đàn hương.
Những vườn macca đang trồng ở Điện Biên có mật độ cây cách cây 6m, trong khi cây đàn hương lên thẳng. Ông Chiến nghĩ nếu trồng đàn hương vào giữa cũng không ảnh hưởng đến tán quang hợp của macca. Nếu hai cây quý này không “đánh nhau”, đặt cạnh nhau giúp tối ưu về diện tích đất, tại sao không làm?
Đặc biệt, sự gặp gỡ giữa ông Chiến với TS Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương & thực vật quý hiếm (ISAF) có thể coi là cái bắt tay giữa “Chủ tịch macca” và “Tiến sĩ đàn hương”. Hai ông nghiên cứu thực hiện mô hình trồng xen đàn hương trên diện tích macca sẵn có tại Điện Biên.
Lại mày mò nghiên cứu, ông phát hiện mô hình trồng xen macca – đàn hương rất thành công ở Úc, cho giá trị kinh tế cao vì thu song song từ hai loài cây. Macca thu hạt hàng năm, đàn hương mỗi năm cho các sản phẩm lá, cành... không vứt đi thứ gì. Trồng thêm đàn hương vừa tiện công chăm sóc, đỡ công làm cỏ trên những diện tích trống, thuận tiện nhiều bề. Đặc biệt đàn hương trồng ở Điện Biên chủ yếu ở độ cao 700-1.000m chạy theo sườn đồi, không lo ngập úng.
Năm 2017, Macca VIP ký thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu cây đàn hương & Thực vật quý hiếm (ISAF). ISAF cung cấp giống đạt chuẩn và hỗ trợ về khoa học. Công ty chịu trách nhiệm trồng, đầu tư đất, chăm sóc theo kỹ thuật ISAF hướng dẫn.
Để chuẩn bị cho những mầm cây đàn hương đầu tiên, công ty yêu cầu có đánh giá nghiên cứu chuyên sâu về thổ nhưỡng, khí hậu... ISAF đã đưa chuyên gia từ Ấn Độ sang nghiên cứu và đánh giá cao về điều kiện trồng đàn hương ở Điện Biên.
Tháng 9/2018, công ty trồng đầu tiên khảo nghiệm 6 ngàn cây đàn hương xen macca. Những ngày đầu đưa đàn hương về Tây Bắc, do chưa có kinh nghiệm, ngay như công ty của ông Chiến, có tiềm lực tài chính, có khoa học kỹ thuật, có nhân lực... nhưng phải trồng 3 lần mới xong 6 nghìn cây đợt đầu tiên.
Lần một, cây đưa từ vườn ươm ở Hà Nội lên Điện Biên, đi mất gần một ngày. Cây đến nơi lại “lạ nước lạ cái” lại không được chăm bẵm cho hồi phục lại nhưng vẫn đưa vào trồng luôn nên cây yếu, rễ long hết, một số không bén rễ được.
Lần thứ hai trồng dặm bổ sung thì cây mới đến lại có sức hấp dẫn đặc biệt với côn trùng. Dế tấn công dữ dội, cắn gốc, cắn ngang thân, cây gãy hết. Các loại sâu bệnh cũng ồ ạt tấn công. Phải trồng thêm các cây bao quanh để dụ đám dế nhưng không thành công. Sau đó, các kỹ sư phải nghĩ ra mẹo cắt ống hút nhựa để bọc phần thân sát gốc cây.
“Việc trồng đàn hương ở thời kỳ đầu có khi kỳ công ngoài sức tưởng tượng. Nếu không áp dụng cả kiến thức khoa học và mưu mẹo thì khó phát triển. Nhưng khi cây lên mạnh mẽ rồi thì chỉ cần tập trung bảo vệ cây do giá trị kinh tế cao”, ông Chiến hồi tưởng và cho hay một trong những điều khiến ông càng “yêu” đàn hương là vì sao loại cây này lại “được” các loại côn trùng ưa thích, “chuộng” làm món ăn như thế. Trách gì không gọi là “vương mộc”. Tháng 8/2019, ông quyết định trồng tiếp 140 ngàn cây.
Hiện 6 ngàn cây trồng đợt đầu đã hơn 1 tuổi, độ cao trên 2m, đường kính gốc khoảng 5cm. Công ty bắt đầu có thu nhập “lấy ngắn nuôi dài” từ tỉa cành, thu búp để làm trà, thu quả ép tinh dầu.
Chủ tịch Công ty Macca VIP Huỳnh Văn Chiến và chuyên gia đàn hương Vũ Văn Thoại.
Đặc biệt trà đàn hương có hương vị đặc biệt, giá trị kinh tế cao. Ông Chiến quyết định lấy 5ha trồng thuần đàn hương để lấy búp làm trà. Mỗi ha có thể trồng 2 ngàn cây theo mô hình hữu cơ đạt chuẩn nhất định cho việc làm trà, chăm sóc tiếp cho đàn hương. “Trà búp đàn hương có tác dụng cân bằng huyết áp, giải độc, ngăn ngừa ung thư, giảm stress, đặc biệt là ngủ ngon. Tôi uống nhiều loại trà bị mất ngủ, riêng trà đàn hương thì ngủ ngon”, ông Chiến hào hứng.
Chia sẻ về 100ha trồng xen macca - đàn hương, ông Chiến cho biết nhìn thấy một tiềm năng rất lớn từ việc kết hợp hai giống cây này. Lý do chưa thể đưa đàn hương vào toàn bộ 4.000ha dự án trồng macca do đây là mô hình dự án có vay vốn ngân hàng, ban đầu viết dự án không có đàn hương, nay muốn trồng thêm phải bổ sung nhiều thủ tục phức tạp hoặc phải trả nợ ngân hàng xong.
Ông Chiến khẳng định đây là mô hình trồng xen macca – đàn hương đầu tiên của Việt Nam tại thời điểm này. Với thế giới thì Úc đã triển khai rất thành công từ nhiều năm. Úc là quê hương macca và cũng đánh giá cao về đàn hương, đầu tư lớn, nghiêm chỉnh, bài bản. Theo ông Chiến tìm hiểu, trên đất Úc, diện tích đàn hương bằng 1/6 diện tích macca, nhưng ngược lại giá trị kinh tế đàn hương mang về cao gấp 4 lần macca.
“Dấn thân, nhưng có cơ sở. Quá trình nghiên cứu chúng tôi đã biết cây macca cần những dinh dưỡng gì, nếu thiếu hụt do đàn hương hút thì sẽ nhanh chóng bù đắp cho macca”. ông Chiến khẳng định. Hiện tại ông và các cộng sự vẫn đang vất vả chăm sóc những vườn cây, chờ ngày “đại thắng”. Ông nói vui: “Giờ chưa phải “đại gia” mà đang “bọc da”, có bao nhiêu đầu tư hết vào nông nghiệp”.