Tháng 8 năm 2020, Tập đoàn motor Lifan thông báo: “Cổ đông chi phối Lifan Holdings đã nộp đơn xin tái tổ chức phá sản vì tài sản không đủ trả các khoản nợ đến hạn”.
Vào thời điểm này, Yin Mingshan (Doãn Minh Thiện), người sáng lập và dẫn dắt Lifan trở thành đế chế motor, đã 82 tuổi. Một người đã trải qua đủ thăng trầm trong nửa cuộc đời như Yin, cũng không thể cứu được kết cục.
Nhắc đến Yin Mingshan, người ta nghĩ tới nhiều cột mốc huyền thoại: "Doanh nghiệp xe khách tư nhân đầu tiên của Trung Quốc được niêm yết trên thị trường cổ phiếu", "Doanh nhân tư nhân đầu tiên của Trung Quốc lọt vào cấp cao nhất của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc CPPCC", "500 doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc"…
Thời niên thiếu đầy biến cố
Yin Mingshan sinh năm 1938 trong một gia đình địa chủ ở quận Phù Lăng, Trùng Khánh (Trung Quốc). Đang sống trong sung túc thì biến cô ập đến, gia đình Yin tán gia bại sản. Bố mất, cả nhà ông phải sống trong một ngôi nhà tranh bỏ hoang ở vùng nông thôn.
Khi đó, nhận thấy nhà nào cũng cần may vá nên Yin đã đi vay mượn họ hàng 5 hào rồi đến thị trấn mua sỉ kim chỉ để về làng bán. Bán lẻ chưa đủ, ông còn hợp tác kinh doanh cùng người khác và nhanh chóng kiếm được một khoản tiền không nhỏ vào thời điểm đó. Khi đã kiếm được kha khá, mẹ ông khuyên ông nên tiếp tục con đường học hành, bà nói với ông: “Con không học hành thì cũng vô dụng”.
Nghe lời mẹ, Yin Mingshan tập trung học tập và đỗ vào trường cấp 3 số 1 ở Trùng Khánh với kết quả xuất sắc. Trong học kỳ đầu tiên, Yin đã hoàn thành tất cả các môn học ở trường. Đặc biệt, ông còn hoàn thành chương trình cử nhân toán học ngay trong học kỳ tiếp theo. Vào thời điểm đó, mọi người đều dự đoán rằng Doãn Minh Thiện sẽ là một thiên tài toán học trong tương lai.
Nhưng ngay trước kỳ thi vào đại học, Yin đã bị tố cáo vì một số bài phát biểu "khuynh hướng tư bản" và bị bắt giam. Ba năm sau, thiên tài toán học bị kết án 20 năm tù.
Dù ở trong tù nhưng Yin Mingshan không từ bỏ. Thay vào đó, anh bắt đầu đọc rất nhiều sách và tự học tiếng Anh. Năm 1979, nhờ cải tạo tốt, ông đã được trả tự do trước thời hạn. Khi đó, ông 41 tuổi.
Khởi nghiệp
Với vốn tiếng Anh tốt, ngay sau khi ra tù, Yin được nhận công việc giáo viên tiếng Anh tại Học viện Thiết kế Trùng Khánh. Năm 1983, Nhà xuất bản Trùng Khánh tuyển dụng biên tập viên. Yin cảm thấy cơ hội đã đến nên mạnh dạn nộp đơn xin việc và trúng tuyển. Ông nhanh chóng khẳng định tài năng của mình. Chỉ trong 2 năm, ông đã trở thành phó chủ tịch của nhà xuất bản ở tuổi 47.
Năm 1985, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa, Yin Mingshan đánh hơi thấy cơ hội kinh doanh nên quyết định thành lập Nhà xuất bản Giáo dục Nghề nghiệp Trùng Khánh. Ông tự biên tập và phân phối sách 10 xu dành cho học sinh cấp 2. Cuốn sách bán được 10 triệu bản và Yin thu được “hũ vàng” đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh.
Người thành công không bao giờ hài lòng với những gì đã có, và Yin cũng vậy. Khi công việc kinh doanh sách trở nên khó khăn hơn, Yin không ngừng tìm kiếm những cơ hội mới.
Sự trỗi dậy của Lifan Motors
Vào những năm 1990, Yin Mingshan tìm thấy cơ hội khi trò chuyện với một nhóm bạn từ một cửa hàng sửa chữa xe máy.
Thập niên 1990, xe máy Trùng Khánh nổi tiếng khắp Trung Quốc. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xe máy cũng như phụ tùng xe máy đều tập trung tại đây. Một lần, một người bạn nói với Yin rằng, anh ta cần hàng trăm động cơ mỗi tháng nhưng chỉ có thể mua chúng ở Hà Nam, với giá cao và chất lượng kém. Mặc dù ở Trùng Khánh có 2 gã khổng lồ về xe máy là Jialing và Jianshe, nhưng họ lại coi thường các cửa hàng sửa chữa nhỏ.
Nghe vậy, Yin Mingshan nghĩ ngay ra cách. Ông cùng Zuo Zongshen, người sáng lập tập đoàn Zongshen, một trong những nhà sản xuất xe máy lớn nhất trong nước, cùng nhau thành lập Viện nghiên cứu phụ tùng xe Rongda vào năm 1992, chính thức bắt đầu sự nghiệp sản xuất xe máy. Năm đó, Yin 54 tuổi.
Với một xưởng rộng 40 mét vuông và 9 nhân viên, Yin Mingshan đã tạo ra hai sản phẩm “đầu tiên của Trung Quốc”: Động cơ 4 thì 100ml và động cơ điện 100ml. Ông cũng bắt đầu huyền thoại của mình: Xe máy Lifan.
Trải qua 8 năm phát triển, đến năm 2000, Lifan đã sản xuất và bán ra 1,84 triệu động cơ với doanh thu bán hàng là 3,85 tỷ nhân dân tệ, vượt qua Jialing, Jianshe và các thương hiệu khác, trở thành doanh nghiệp số một ở Trung Quốc về doanh số bán hàng.
Cùng năm, Yin Mingshan, 62 tuổi, lọt vào danh sách 50 người giàu nhất Trung Quốc của Forbes với giá trị tài sản ròng 550 triệu nhân dân tệ.
Năm 2003, Yin Mingshan, 65 tuổi, chủ tịch tập đoàn công nghiệp Lifan, chính thức được bầu làm phó chủ tịch Ủy ban thành phố Trùng Khánh của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Tý phú với tổng tài sản hơn 1 tỷ nhân dân tệ này là doanh nhân tư nhân đầu tiên có chân trong chính quyền cấp cao. Lúc này, Lifan đã trở thành nhà sản xuất xe máy lớn nhất Trung Quốc.
Bước chân vào ngành ô tô
Trong 20 năm khởi nghiệp, kinh nghiệm kinh doanh của Yin Mingshan cũng giúp ông có khả năng tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong thời kỳ khủng hoảng: trước khi thị trường xe máy bị thu hẹp, Yin Mingshan tập trung vào ngành sản xuất ô tô, vốn nhiều thách thức hơn. Năm 2003, Yin Mingshan mua lại 80% cổ phần của Nhà máy Sản xuất Xe Mục đích Đặc biệt Trùng Khánh, đồng thời đổi tên công ty thành Công ty TNHH Ô tô Lifan Trùng Khánh, chính thức bước vào lĩnh vực ô tô. Tháng 1 năm 2006, chiếc xe đầu tiên của Lifan, 520, đã chính thức ra mắt.
Khác với thành công của những lần khởi nghiệp trước đây, việc sản xuất ô tô với yêu cầu cao hơn về công nghệ và đầu tư lớn hơn cũng báo trước "cơn bão" trong những năm sau đó của Yin Mingshan.
Theo số liệu do Hiệp hội Công nghiệp ô tô Trung Quốc công bố, năm 2006, doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã vượt quá 7,2 triệu chiếc, với mức tăng trưởng hàng năm hơn 25%. Lần đầu tiên, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và trở thành nước tiêu thụ ô tô lớn thứ hai sau Mỹ. Trong số đó, tổng doanh số bán xe du lịch thương hiệu tự sở hữu là 2146700, trong số 10 thương hiệu xe bán chạy nhất, Xiali và Geely nằm trong danh sách QQ. Nhưng Lifan 520 đã bán được chưa đến 10000 chiếc trong năm đó.
Thoái trào
Thiếu công nghệ, Lifan cho ra mắt một loạt các sản phẩm nhái các mẫu xe nước ngoài. Năm 2010, Lifan trở thành công ty xe khách tư nhân đầu tiên niêm yết trên thị trường cổ phiếu hạng A ở Trung Quốc. Đồng thời, Yin Mingshan cũng trở thành người giàu nhất Trùng Khánh với khối tài sản ròng trị giá hơn 11 tỷ NDT, năm đó, ông 72 tuổi. Cùng năm đó, Lifan bước chân vào lĩnh vực mới: Bất động sản.
Tuy nhiên, dưới ánh hào quang của "người giàu nhất Trùng Khánh", Lifan, thiếu công nghệ cốt lõi và sự tập trung, bắt đầu tụt lại phía sau trên con đường chế tạo ô tô. Theo báo cáo thường niên của Lifan, hoạt động kinh doanh ô tô của hãng đã thua lỗ kể từ năm 2014.
Năm 2016, Lifan bị dính vào bê bối tham nhũng 114 triệu NDT quỹ trợ cấp của chính phủ trung ương và bị phạt hơn 100 triệu NDT.
Ngày 28 tháng 2 năm 2017, trong buổi ra mắt mẫu xe mới của Lifan, vị chủ tịch lúc này đã 79 tuổi đứng trước hàng nghìn người tuyên bố "giải nghệ" và để lại đế chế Lifan cho thế hệ tài năng phía sau tiếp nối.
Sau sự ra đi của "cha đẻ", Lifan bắt đầu xuống dốc không phanh, doanh số bán hàng bắt đầu giảm mạnh và thua lỗ nặng nề hơn. Cuối năm 2018, Lifan bị phanh phui việc đứt dây chuyền vốn và nợ các đại lý.
Đến nửa đầu năm 2020, tổng nợ phải trả của Lifan đã lên tới 17,863 tỷ nhân dân tệ. Sau hơn 4 tháng chật vật, tháng 8 năm 2020, Tập đoàn Lifan thông báo: “Cổ đông chi phối Lifan Holdings đã nộp đơn xin tái tổ chức phá sản vì tài sản không đủ trả các khoản nợ đến hạn”.
Ngày 22/1/2021, tập đoàn Geely chính thức mua lại Lifan. Huyền thoại “cánh buồm” (ý nghĩa tên gọi Lifan) chính thức khép lại.