Thanh khoản thị trường tăng trưởng ấn tượng thời gian qua tưởng chừng đã là thành tích của ngành chứng khoán trong việc thu hút nguồn lực vốn của thị trường. Nhưng đến nay, bài toán nguồn lực khan hiếm, cụ thể là năng lực xử lý hạn chế của hệ thống giao dịch cũ đang đặt ra bài toán khó nhất trong lịch sử hoạt động của sàn HoSE.
Ba tháng sống chung với lũ
Trở thành thói quen suốt cả tháng nay, Thịnh Đạt, chuyên viên môi giới phụ trách nhóm nhà đầu tư của một công ty chứng khoán nằm trong top 5 thị phần luôn theo dõi để thông báo tới khách hàng trên nhóm chat của mình về việc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) dừng nhận lệnh.
Thông thường, tầm gần 2 giờ chiều, có hôm sớm hơn, thậm chí ngay từ sáng, xuất hiện các hiện tượng bất thường như lệnh nhập không vào hệ thống, giá hai chiều mua - bán chưa gặp nhưng đã khớp...
Chuyện các sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới gặp sự cố kỹ thuật phải dừng giao dịch là không hiếm, nhưng điều lạ là hiện tượng này tại HoSE đã diễn ra ròng rã mấy tháng qua.
Đúng 3 tháng trước, phiên giao dịch ngày 17/12/2020 là lần đầu hiện tượng lệnh giao dịch bị chậm được xác nhận và có phản hồi từ HoSE. Khi đó, phía Sở Giao dịch cho biết, lệnh không vào hệ thống, chứ bản thân hệ thống giao dịch không có sai sót. Thông tin sau này chia sẻ, khả năng xử lý của HoSE - hệ thống sử dụng từ năm 2000 do đối tác Thái Lan cung cấp rất hạn chế, chỉ là 900.000 lệnh/ngày, trong khi công suất tối đa của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hiện đạt 20-30 triệu lệnh/ngày.
“Có thể nói, đây là cơ chế tự bảo vệ của hệ thống”, lãnh đạo HoSE từng giải thích.
Việc dòng tiền ồ ạt chảy vượt khỏi dự tính của Sở Giao dịch khiến sàn HoSE không thể chịu tải.
Thanh khoản sàn HoSE hoàn toàn có thể xác lập những kỷ lục cao hơn nhiều so với hiện tại (quanh mức 14.000 - 16.000 tỷ đồng/ngày), bởi như tại phiên 17/12/2020, chỉ riêng giá trị giao dịch khớp lệnh phiên sáng đã gần 9.000 tỷ đồng. Với mức phí giao dịch 0,3%, phía Sở Giao dịch có thể thu về 600 triệu đồng từ cả hai bên mua - bán với mỗi 1.000 tỷ đồng giá trị giao dịch trên sàn. Một nguồn thu lớn bị hụt đi bởi hạn chế từ chiếc áo cũ đã chật này.
Nhà đầu tư sẽ sẵn sàng chia sẻ khó khăn nếu HoSE truyền thông đầy đủ những khía cạnh của vấn đề và ưu, nhược điểm của từng giải pháp.
TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh)
Mất mát lớn hơn còn là niềm tin của nhà đầu tư. Khắp các diễn đàn trong giới đầu tư “nóng rực” thời gian qua, yêu cầu cần có những giải pháp xử lý vấn đề và lên tiếng về những thiệt hại mà các nhà đầu tư đang phải chịu khi sử dụng dịch vụ. Mặt khác, với tình hình “bình thường mới” như một tình thế cực chẳng đã, nhà đầu tư cũng đang phải tự thích nghi là đẩy sang giao dịch sớm vào buổi sáng và tập quen với việc đặt lệnh, mà không nắm được giá khớp thực tế trên thị trường hay bịt mắt bắt… cổ phiếu như nhiều nhà đầu tư ví von.
Trái đắng từ sự phụ thuộc
HoSE từng vướng một sự cố lớn hồi đầu năm 2018, khiến giao dịch buộc phải tạm dừng trong 2 ngày liên tiếp. Điểm khác biệt là, khi đó, HoSE cùng các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (đơn vị cung cấp hệ thống) phân tích, tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố. Còn lần này, dù đã tới 3 tháng trôi qua, trách nhiệm của người Thái khi các sự cố kỹ thuật đang được quy định như thế nào trong các hợp đồng liên quan đến hệ thống giao dịch là điều giới đầu tư không khỏi thắc mắc.
Đã có nhiều giải pháp đưa ra trong thời gian phải “tự lực cánh sinh” này.
Đầu tiên là phương án nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu áp dụng ngay từ đầu năm 2021, nhưng đã sớm hết tác dụng. Một phương án khác đang được triển khai là kêu gọi các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HoSE chuyển sang giao dịch tại sàn HNX. Phương án này khả thi, nhưng để hiệu quả, cần sự tự nguyện của tổ chức niêm yết.
Ngoài ra, còn có một số phương án đề xuất, nhưng những ý kiến này thường dẫn đến 2 vướng mắc: phụ thuộc vào đối tác nước ngoài và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Hệ thống công nghệ của HoSE do chuyên gia Thái Lan vận hành và phía Việt Nam không thể can thiệp. Phương án nâng bước giá trở lại như trước khi điều chỉnh giảm hồi năm 2016 cũng không thể thực hiện, vì phải thay đổi core của hệ thống và cần chuyên gia Thái Lan thực hiện. Việc mở dung lượng hệ thống từ mức 900.000 lệnh/phiên hiện tại cũng từng được ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch HoSE chia sẻ là hoàn toàn phụ thuộc vào cái gật đầu trong đàm phán với đối tác Thái Lan.
Hai biện pháp được cho là có thể tạo hiệu quả ngay lập tức là tiếp tục nâng lô giao dịch tối thiểu và không cho phép hủy, sửa lệnh trong phiên. Tuy nhiên, 2 biện pháp này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư. Bởi sẽ cần đến cả trăm triệu đồng, tương đương với tài sản nhiều năm trời tích lũy, để có thể mua được một lô tối thiểu các cổ phiếu có thị giá cao như Vinamilk hay Vingroup. Bản thân người đứng đầu Bộ Tài chính cũng khẳng định trước mắt sẽ không sử dụng phương án nâng lô này.
Ánh sáng cuối đường hầm xuất hiện khi vào đầu tháng 3 vừa qua tại sự kiện "Đối thoại 2045” lãnh đạo từ doanh nghiệp tỷ đô đã đưa ra các hướng giải quyết tới Thủ tướng Chính phủ. Giải pháp được đưa ra là áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE. “Đây là biện pháp khả thi và chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT khẳng định quyết tâm trong buổi làm việc với Bộ Tài chính diễn ra trong chưa đầy 72 giờ đồng hồ sau đó.
Dù chưa thể thấy hiệu quả ngay trước mắt, nhưng vẫn là sớm hơn việc chờ chuyên gia Hàn Quốc xây dựng xong hệ thống KRX. Hợp đồng này đã ký kết từ cách đây 9 năm vẫn dang dở và phía Sở Giao dịch chứng khoán cũng chưa từng đưa ra một cam kết cụ thể về thời gian hệ thống mới có thể hoàn thành.
Các giải pháp tác động lên hệ thống không đơn giản.
Lãnh đạo một ngân hàng, khi nói về phương án thay đổi hệ thống core banking, từng ví von việc chuyển đổi này giống như việc tiếp nhiên liệu giữa hai máy bay trên bầu trời. Bản thân ngân hàng này cũng phải lựa chọn thời điểm nghỉ Tết để bắt đầu đi vào vận hành.
Một doanh nghiệp lớn như PNJ cũng từng lựa chọn thực hiện dự án ERP (giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng), nhưng đã phải qua vài tháng “sự cố” trước khi dự án ổn định và mang về những thay đổi tích cực.
FPT có lợi thế, bởi họ không phải “tay mơ” khi đã trực tiếp xây dựng thành công hệ thống giao dịch chứng khoán tại HNX, hay hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ.
Thời gian 3 tháng là thách thức với ngay cả ông lớn công nghệ như FPT, nhưng khi mọi giải pháp đều có nhược điểm, thì đây vẫn là tia sáng hy vọng, cho thấy phụ thuộc vào nhà đầu tư Thái Lan không phải là sự lựa chọn duy nhất.
Giành lại niềm tin thị trường
Trong khi phải chờ ít nhất 3 tháng nữa mới có thể thấy tác động lên hệ thống giao dịch, song giới đầu tư đang kỳ vọng vào giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đưa cổ phiếu của sàn HoSE đi “ở nhờ” sang HNX. Nhưng biện pháp này cần sự tự nguyện và tinh thần chung tay của tổ chức phát hành.
Đến nay, đã có lãnh đạo của 10 doanh nghiệp niêm yết cho biết, họ sẽ trình cổ đông để thông qua phương án này. VNDirect là công ty đi tiên phong và dự kiến trình cổ đông nội dung này tại cuộc họp thường niên tổ chức vào ngày mai (18/3).
Điều mà lãnh đạo các doanh nghiệp này quan tâm là thủ tục cần được tạo thuận lợi nhất và không có sự thay đổi quá lớn sau chuyển giao dịch. Đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đặt ra để quyết định việc có đi “ở nhờ” hay không.
Từ phía doanh nghiệp, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc VNDirect, đã đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép các cổ phiếu chuyển giao dịch được đảm bảo giữ nguyên trong các rổ chỉ số. Bởi nhiều chỉ số đầu tư được dùng tham chiếu cho các quỹ chỉ số như VN Diamond, VNFin Lead...
Theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cổ phiếu của các công ty sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HoSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch.
Ngoài tổ chức niêm yết, tinh thần tự nguyện của các nhà đầu tư cũng có thể giải quyết bài toán nguồn lực khan hiếm của sàn HoSE bằng việc giảm số lệnh sửa, hủy lệnh hay các lệnh "bắn tỉa" từ robot.
Theo cập nhật hồi tháng 1/2021, con số này là 767.294 lệnh, chiếm 28% tổng lượng lệnh trong tháng.
Là cơ quan giám sát về công bố thông tin các thành viên trên thị trường, đáng tiếc rằng, trong lần khủng hoảng liên quan đến sự cố kỹ thuật này, HoSE dường như không mấy làm gương về tính minh bạch. Việc không làm chủ được công nghệ vận hành, chậm trễ hoàn tất dự án hệ thống giao dịch mới tới gần 10 năm, hay tồn tại trong khâu giám sát thị trường ở quá khứ là những lý do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đặt ra dấu hỏi về năng lực quản trị, điều hành của HoSE. Trong một bản kiến nghị gửi lên Bộ Tài chính hồi đầu tháng 3/2021, hiệp hội này thậm chí còn đề xuất thay lãnh đạo HoSE.
Là cơ quan giám sát về công bố thông tin các thành viên trên thị trường, đáng tiếc rằng, trong lần khủng hoảng này, bản thân HoSE lại dường như không mấy làm gương về tính minh bạch.
Link bài gốc