Chọn phương án an toàn
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán MayBank KimEng, kênh đầu tư có thể chia ra làm 2 loại: đầu tư an toàn và đầu tư mạo hiểm.
Đầu tư an toàn gồm có trái phiếu chính phủ, bảo hiểm, gửi tiết kiệm ngân hàng. Còn các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, tiền mã hóa... có khả năng sinh lời cao hơn nhưng mạo hiểm hơn. Lợi nhuận cao luôn song hành với rủi ro lớn, đó là thực tế.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, mua vàng, gửi tiết kiệm ngân hàng và giữ ngoại tệ USD là kênh đầu tư an toàn. Mặc dù mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm đầu năm 2021 xu hướng giảm vì các ngân hàng đang tiết giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19; nhưng không ít ngân hàng thương mại vẫn trả lãi 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, thậm chí một số ngân hàng thương mại đang hút vốn với lãi suất 6,8%-7,3% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
“Gửi tiết kiệm ngân hàng thực dương trong năm 2021 nên vẫn là lựa chọn hàng đầu của không ít người dân có tiền nhàn rỗi hiện nay. Đây được xem là kênh đầu tư hiệu quả hơn cả đầu tư vào mua USD và vàng”, ông Hiển cho hay.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, lạm phát tăng trở lại (chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước - là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm gần đây), lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng trở lại.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh lại cho rằng, tùy thuộc vào “sở thích và sở trường” riêng mà các nhà đầu tư đưa ra quyết định. Theo ông Khánh, các nhà đầu tư có thiên hướng đầu tư an toàn thì trong danh mục đầu tư có thể chọn 70%-80% số vốn để đầu tư vào kênh an toàn. Ngoài kênh gửi tiết kiệm, có thể chọn mua trái phiếu chính phủ, bảo hiểm...
Còn những nhà đầu tư có hiểu biết, kiến thức về đầu tư có thể chọn tỷ trọng đầu tư mạo hiểm nhiều hơn từ 60%-80% vốn để đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng... Riêng tiền mã hóa cũng là kênh mang lại lợi nhuận tốt nhưng lưu ý người đầu tư có thể gặp rủi ro lớn vì đây là kênh đầu tư không được luật pháp bảo hộ, thậm chí gặp rủi ro khi bị hacker đánh cắp tiền.
Kỳ vọng ở thị trường chứng khoán
Chứng khoán là kênh đầu tư sinh lời tốt trong năm 2020 khi VN-Index vượt mốc 1.100 điểm, tăng khoảng 15%. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm, kể từ 2018. Thị trường chứng khoán trong năm 2021 vẫn được đánh giá là một trong những kênh đầu tư sáng giá.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi dịch Covid-19 quay lại đợt 3, kết thúc tháng 2/2021, VN-Index tiếp tục tăng gần 65 điểm lên 1.168,47 điểm (tăng gần 6% so với cuối năm 2020).
Theo giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng tích cực trong bối cảnh dịch bệnh là sự tham gia của các nhà đầu tư mới.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số tài khoản được mở tính đến cuối năm 2020 là 2,7 triệu tài khoản, tăng 17% so với năm 2019. Những tháng đầu năm 2021, VSD tiếp tục mở thêm 86.269 tài khoản cho các nhà đầu tư trong nước, tăng tới 36,4% so với tháng trước đó.
Giới chuyên gia cũng đánh giá, năm 2021 dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến tích cực, cộng với khả năng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục giảm sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán.
Thực tế, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán từ cuối năm 2020 đến nay tăng gấp 5 lần so với giai đoạn cuối năm 2019 sẽ khiến các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn vào kênh này.
Ở góc độ khác, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, bất động sản đất nền và nhà phố vẫn thu hút nhà đầu tư. Không ít nhà đầu tư khi kiếm được lợi nhuận như kỳ vọng ở thị trường chứng khoán sẽ rút bớt vốn, đổ sang bất động sản nhằm tránh rủi ro “dồn hết trứng vào một rổ”.
Chính vì thế, bất động sản đất nền và nhà phố vẫn là sản phẩm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong năm 2021. Khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì bất động sản khu công nghiệp và bất động sản nhà phố cho thuê sẽ sôi động. Phân khúc đất nền có mức giá giao dịch dưới 10 tỷ đồng vẫn thu hút nhà đầu tư, những sản phẩm giá cao thì gần như khó giao dịch.
Đầu tư vào đâu cũng cần cân nhắc kỹ
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định, đầu tư vào kênh nào cũng cần phải cân nhắc các mục tiêu: an toàn, sinh lời và thanh khoản. Chẳng hạn bất động sản, dù tính thanh khoản thấp nhưng là kênh đầu tư có tỷ lệ sinh lời cao nếu tìm được sản phẩm có giá tốt, địa điểm tốt. Vấn đề an toàn vốn thì chưa chắc, vì kinh doanh bất động sản có thể thua lỗ, muốn bán cũng cần có thời gian.
Vàng tăng giá mạnh trong năm 2020 và quay đầu giảm đầu năm 2021, thậm chí xuống dưới 1.700 USD/ounce, tức là mất gần 10% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng thế giới. Có thể đầu tư vàng ở trung và dài hạn vì vàng luôn là kênh trú ẩn an toàn khi các gói kích cầu được bơm nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Nhà đầu tư không nên mạo hiểm lướt sóng với vàng vì chênh lệch giá mua bán của các DN kinh doanh vàng trong nước luôn ở mức cao.
Link bài gốc