Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital vừa đăng ký chào mua công khai hơn 1,71 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết. Với giá chào mua 19.100 đồng, thương vụ trị giá khoảng 33 tỷ đồng. Công ty này cam kết sẽ mua toàn bộ nếu cổ phiếu đăng ký bán ít hơn số lượng chào mua.
Nếu giao dịch như mong đợi, Đầu tư Sài Gòn 3 Capital nắm hơn 4 triệu cổ phiếu Bông Bạch Tuyết và chiếm 41,47% vốn. Tính thêm sở hữu từ công ty liên quan là Chứng khoán Thành Công, doanh nghiệp này sẽ nắm 51% vốn để chiếm quyền chi phối doanh nghiệp. Bên chào mua cho biết mục đích thương vụ là để nâng tỷ lệ sở hữu, đồng thời khẳng định chưa có kế hoạch thay đổi lớn hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết.
Từng là thương hiệu Việt đình đám một thời khi chiếm tới 90% thị phần bông y tế cả nước, nhưng cái tên Bông Bạch Tuyết dần bị lu mờ và đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm. Cách đây 60 năm, Nhà máy Cobovina Bạch Tuyết - tiền thân của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết được thành lập. Đây là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.
Vào năm 1979, Nhà máy đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết. Năm 1992 tiếp tục đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết. Đây cũng là thời điểm đánh dấu những bước phát triển mạnh khi công ty trở thành doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu dây chuyền sản xuất băng vệ sinh dán về Việt Nam. Cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm của Bông Bạch Tuyết nhanh chóng bao phủ khắp thị trường cả nước.
Chỉ sau hơn 1 năm, riêng dây chuyền này đã tạo ra lợi nhuận và chiếm khoảng 1/3 doanh số của Bông Bạch Tuyết bên cạnh sản phẩm chủ lực là bông y tế. Công nghệ hiện đại, thị trường hoàn toàn rộng mở và hầu như không có đối thủ, Bông Bạch Tuyết “nổi như cồn” và trở thành thương hiệu Việt đình đám thời điểm đó.
Ngay cả khi những lãnh đạo cũ, những người có công giữ và phát triển thương hiệu Bông Bạch Tuyết nghỉ hưu, “cỗ xe” Bông Bạch Tuyết vẫn chạy bon bon về phía trước. Thậm chí năm 1997, khủng hoảng tài chính khu vực nổ ra ở châu Á lại mang đến một cơ hội mới cho công ty này. Khi đó, giá bông thế giới sụt giảm mạnh, Bông Bạch Tuyết tận dụng nguồn lực tài chính dồi dào, mạnh dạn nhập khẩu một lượng bông lớn, đủ sản xuất cho cả năm. Không lâu sau, giá bông đã tăng trở lại, tạo ra lợi nhuận lớn.
Công ty này được cổ phần hóa vào tháng 11/1997 với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước, riêng sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%.
Tính đến tháng 1/2003, vốn cổ phần được tích lũy từ lợi nhuận hằng năm của công ty vào khoảng 80,58 tỷ đồng. Năm 2002, Bông Bạch Tuyết đăng ký tăng vốn điều lệ lên 68,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tích lũy và sau khi cân đối lại các quỹ.
Thành công này đưa cổ phiếu của Bông Bạch Tuyết lên sàn chứng khoán TP HCM tháng 3/2004 và nhanh chóng trở thành một trong những cổ phiếu hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng từ đây hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đi xuống.
Theo đó, mặc dù có ưu thế, lợi thế lớn như trên nhưng thương hiệu Bông Bạch Tuyết cũng không tránh khỏi bờ vực khi đối mặt với làn sóng cạnh tranh của các đối thủ ngoại như Kotex, Diana... Trong cuộc đua đó, Bông Bạch Tuyết lao vào cuộc đầu tư tốn kém cho công nghệ mới và coi đó như một cứu cánh.
Năm 1996, công ty nhập khẩu dây chuyền sản xuất băng vệ sinh có cánh được coi là hiện đại nhất thời điểm đó của Nhật nhưng tình hình kinh doanh cũng chẳng sáng sủa. Đến đầu năm 2000, họ tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất bông y tế, băng vệ sinh công nghệ châu Âu giá gần 100 tỷ đồng với kỳ vọng trong vòng 5 năm sẽ thu hồi được vốn. Thế nhưng, kết quả vẫn không như kỳ vọng.
Năng lực sản xuất băng vệ sinh thời điểm đó vào khoảng 2 triệu gói/tháng, gấp 10 lần năng lực bán hàng. Xu hướng tiêu dùng lúc đó đã chuyển sang băng vệ sinh mỏng, mềm thì các sản phẩm mới của Bông Bạch Tuyết lại dày, cứng nên không còn được ưa chuộng. Hàng chất đầy kho, không bán được khiến Bông Bạch Tuyết không còn vốn lưu động và phải phụ thuộc vào hạn mức tín dụng của ngân hàng.
Tuy nhiên, thay vì nghiên cứu thị trường để tìm hiểu thị hiếu của khách hàng, công ty lại đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm băng vệ sinh. Kết quả là chi phí tăng rất cao nhưng hàng bán vẫn không được, đã đẩy Bông Bạch Tuyết vào con đường thua lỗ kéo dài, thậm chí dừng hoạt động vào tháng 7/2008. Vào năm 2008, báo cáo tài chính 2006 của Bông Bạch Tuyết bỗng nhiên được điều chỉnh từ lãi thành lỗ. Lúc này, cổ đông ngỡ ngàng khi kết quả thanh tra phát hiện công ty thực ra đã thua lỗ liên tục ngay từ năm 2004.
Công ty bị thiếu vốn lưu động trầm trọng, không còn tài sản thế chấp để vay vốn. Năm 2007, tổng nợ phải trả của Bông Bạch Tuyết là hơn 47 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ gần 25 tỷ, nợ phải thu khó đòi là gần 2 tỷ.
Ngày 7/8/2009, mã cổ phiếu Bông Bạch Tuyết bị hủy niêm yết theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ thực góp. Trước đó, Bông Bạch Tuyết từng bị tạm ngừng giao dịch do lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp và không công bố thông tin theo đúng quy định.
Như vậy, chỉ sau 3 năm góp mặt trên sàn chứng khoán, Bông Bạch Tuyết báo lỗ tổng cộng 14 tỷ đồng cùng hàng loạt khoản nợ quá hạn thanh toán cho ngân hàng và các bên liên quan.
Trở lại đường đua từ vạch xuất phát
Sau khi bị hủy niêm yết 1 tháng, công ty mới bắt đầu hoạt động trở lại trong tình trạng tài chính kiệt quệ, nhà xưởng và máy móc thiết bị xuống cấp, nhiều lao động bỏ việc. Thị phần của Bông Bạch Tuyết đã bị các đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh, những khách hàng lớn của công ty cũng ra đi.
Tuy vẫn tiếp tục chật vật trong giai đoạn 2010 – 2013 nhưng mức thua lỗ của công ty cũng giảm dần theo từng năm và đến năm 2014 bắt đầu có những tín hiệu hồi sinh. Năm 2016 đánh dấu công ty có lãi 3 năm liên tiếp. Doanh thu thuần năm 2017 đạt trên 92 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Hai năm liên tiếp 2016 và 2017, công ty cùng báo lãi trên 14 tỷ đồng.
Theo đó, Bông Bạch Tuyết cũng trở lại niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với tổng cộng 6,84 triệu cổ phiếu trên UPCoM vào tháng 6/2018. Hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp là 68,4 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Công ty cổ phần Dệt may Gia Định nắm 30% vốn.
Bắt đầu lại từ con số 0, đến thời điểm hiện tại, Bông Bạch Tuyết vẫn phải tiếp tục “cày cuốc” để trả nợ vay cho ngân hàng và nhiều doanh nghiệp khác với cả vốn lẫn lãi gần 50 tỷ đồng.
Công ty hiện chỉ tập trung đầu tư cải tiến sản phẩm bông y tế theo hướng đa dạng theo nhu cầu thị trường, mặt khác phát triển thêm các sản phẩm gạc y tế. Công ty còn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất xử lý màng bông. Riêng sản phẩm băng vệ sinh vẫn chưa thể khôi phục lại được do tình hình tài chính còn nhiều khó khăn. Công ty đã chi trả một phần nợ gốc cho các chủ nợ và đang đàm phán để tái cấu trúc các khoản nợ còn lại.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, nhóm công ty liên quan đến Đầu tư Sài Gòn 3 Capital liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty này. Cuối năm ngoái, tổ chức này nắm khoảng 20% vốn tại Bông Bạch Tuyết. Gần nhất, khi Bông Bạch Tuyết chào bán riêng lẻ nhằm bổ sung vốn lưu động, cải tạo nhà xưởng, mua nguyên vật liệu và trả nợ, Đầu tư Sài Gòn 3 Capital đã mua khoảng 1,6 triệu cổ phiếu.
Tại phiên họp thường niên tổ chức giữa năm, Hội đồng quản trị Bông Bạch Tuyết trình cổ đông thông qua việc cho nhóm Đầu tư Sài Gòn 3 Capital nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% mà không cần chào mua công khai. Tuy nhiên, các cổ đông đại diện cho gần 99% cổ phần có quyền biểu quyết không chấp thuận. Một số cổ đông đánh giá việc này ảnh hưởng đến thương hiệu và mặt hàng chủ lực nên đề nghị ban lãnh đạo công ty cân nhắc thận trọng.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 140 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước nhưng lợi nhuận giảm khoảng 13% còn 19 tỷ đồng.