Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo tờ trình Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng.
Dự thảo đề xuất 7 lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm gồm: thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định doanh, giao diện lập trình ứng dụng mở, các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như blockchain, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm,...
Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 1-2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Thủ tướng chấp thuận.
Trong tờ trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin...
Số lượng các công ty cung ứng giải pháp Fintech đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến 150 công ty ở thời điểm hiện tại. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 34 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép và hoạt động, lĩnh vực P2P Lending với số lượng khoảng 40 công ty…
Năm 2019, chứng kiến vốn đầu tư đột biến vào lĩnh vực Fintech tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới 400 triệu USD và vươn lên nước thứ 2 tại ASEAN sau Singapore trong việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm tới 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech của cả khu vực.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình Fintech nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Hiện tại, các quy định pháp lý cho hoạt động Fintech chưa được ban hành trong bất cứ văn bản nào.
Cơ quan này lấy ví dụ, hoạt động P2P Lending pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh, nhưng cũng không có quy định cấm với hoạt động này. Vì vậy nếu cơ quan quản lý không có chính sách phù hợp để các công ty này hoạt động tự do, cạnh trạnh bất bình đẳng tại Việt Nam thì sẽ có hệ luỵ rất lớn. Ví dụ như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng phải xử lý hậu quả do các Công ty P2P Lendung để lại sau thời gian phát triển tự do như thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập đến những rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp hay còn gọi là hình thức đòi nợ theo kiểu tín dụng đen tại các sàn đầu tư cho vay ngang hàng hoặc Crowd-funding.
Vì vậy, cơ quan này cho rằng cần sớm có một Khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech. Dự kiến từ năm 2021, các công ty cung ứng giải pháp Fintech có thể chính thức nộp hồ sơ tham gia cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Tùy thuộc vào các giải pháp Fintech cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ thảo luận với tổ chức tham gia thử nghiệm để quyết định phạm vi cho hoạt động của các giải pháp, bao gồm đồng thời hoặc 1 trong 3 yếu tố: về địa lý, về hạn mức giao dịch và về số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.
Kết thúc thời gian thử nghiệm, các tổ chức phải xây dựng báo cáo tổng kết, bao gồm sản phẩm đầu ra thử nghiệm, các chỉ số đánh giá thử nghiệm về thành công hay thất bại của giải pháp và kết quả thử nghiệm. Bên cạnh đó cần có các báo cáo sự cố và giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước căn cứ trên báo cáo tổng kết và quá trình giám sát trình Thủ tướng phương án xử lý tiếp theo, gồm: dừng thử nghiệm, chứng nhận hoàn thành thử nghiệm hoặc gia hạn thử nghiệm.
Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định số lượng tối đa doanh nghiệp được tham gia sandbox mà sẽ được xem xét dựa trên thực tiễn và do Thủ tướng quyết định.