Ngày pháp luật

Cổ phiếu trượt dài, Tập đoàn F.I.T (FIT)của “đại gia” Nguyễn Văn Sang kinh doanh trên đà lao dốc

Quỳnh Chi

Cổ phiếu FIT giảm mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh của F.I.T lao dốc với khoản lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm “bốc hơi” 74% so với cùng kỳ.

Cổ phiếu trượt dài cùng kết quả kinh doanh giảm sút

Sau nhịp hồi về vùng đỉnh 11 tháng, cổ phiếu FIT của Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh. Sau khoảng 2 tháng, cổ phiếu này đã giàm gần 40% thị giá xuống dưới 5.000 đồng/cp. Mức giá này thậm chí chỉ bằng 1/4 so với đỉnh đạt được giữa tháng 1/2021. Giá trị vốn hoá chỉ còn chưa đến 1.700 tỷ trong khi vốn điều lệ xấp xỉ 3.400 tỷ đồng.

Cổ phiếu trượt dài, Tập đoàn F.I.T (FIT)của “đại gia” Nguyễn Văn Sang kinh doanh trên đà lao dốc - Ảnh 1

Cổ phiếu giảm mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh của F.I.T lao dốc. Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của F.I.T giảm 97% so với báo cáo tự lập còn gần 7 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục thay đổi lớn nhất là doanh thu tài chính chỉ còn 94,4 tỷ đồng, giảm 71%.

Theo giải trình từ phía F.I.T, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh sau soát xét là vì điều chỉnh các bút toán hợp nhất kinh doanh trong nửa đầu năm. Trong đó, tác động lớn nhất là việc hủy các bút toán hợp nhất đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Cap Padaran Mũi Dinh, khiến lợi nhuận giảm gần 225 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán hủy các bút toán phân bổ giá trị tài sản, cùng bút toán hợp nhất liên quan đến loại trừ giao dịch nội bộ.

Cụ thể, tại thời điểm 4/1, tập đoàn tăng vốn đầu tư vào Cap Padaran Mũi Dinh thông qua công ty con là CTCP Đầu tư Bất động sản F.I.T. Qua đó, gián tiếp tăng tỷ lệ biểu quyết của F.I.T từ 50% lên 50,8%, và đưa Cap Padaran Mũi Dinh thành công ty con cấp 2. Do vậy, các BCTC hợp nhất quý 1/2023 và quý 2/2023 tự lập của F.I.T đã hợp nhất khoản đầu tư này là công ty con.

Đến cuối tháng 7/2023, F.I.T ban hành nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng cổ phần của Cap Padaran Mũi Dinh do F.I.T sở hữu. Sự kiện trên phát sinh sau niên độ và sau thời điểm lập BCTC hợp nhất bán niên 2023 của F.I.T.

Dù vậy, đánh giá là sự kiện trọng yếu, F.I.T đã thông tin đến công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C để ghi nhận các điều chỉnh liên quan. Qua đó, BCTC soát xét bán niên 2023 sẽ ghi nhận khoản đầu tư vào Cap Padaran Mũi Dinh là công ty liên kết của F.I.T, thay vì công ty con.

Kết quả sau soát xét, F.I.T ghi nhận doanh thu đạt 722,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 32,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 39% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ thậm chí còn giảm đến 74% so với cùng kỳ, xuống còn 7 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn này mới thực hiện gần 33% kế hoạch doanh thu và 39% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Cổ phiếu trượt dài, Tập đoàn F.I.T (FIT)của “đại gia” Nguyễn Văn Sang kinh doanh trên đà lao dốc - Ảnh 2

Năm 2022 trước đó, F.I.T ghi nhận doanh thu tăng mạnh 58% so với năm 2021, đạt 1.952 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại giảm đến 69% so với cùng kỳ, xuống còn 72 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Nếu tình hình kinh doanh không cải thiện trong nửa cuối năm, F.I.T sẽ khó tránh khỏi một năm nữa tăng trưởng âm.

Lai lịch của FIT và ẩn số Dũng Tâm

FIT được thành lập vào 8/3/2007, tiền thân là CTCP Đầu tư F.I.T với vốn điều lệ ban đầu là 35 tỷ đồng. Sau 7 năm, doanh nghiệp này chính thức niêm yết cổ phiếu lên sàn HNX vào năm 2013 với số vốn điều lệ đã tăng gấp 4,5 lần lên 157,5 tỷ đồng. Sau đó FIT liên tục tăng vốn khủng và đến thời điểm chuyển sàn sang HoSE năm 2015 con số đã tăng gấp hơn 10 lần lên mức 1.792 tỷ đồng.

Cũng kể từ đây, F.I.T liên tục đầu tư vào các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, hàng tiêu dùng, bất động sản như FIT Comestic, Nước khoáng Khánh Hòa, Westfood Hậu Giang, FIT Land,…đặc biệt có 2 khoản đáng chú ý là CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL).

Trong đó, F.I.T đã mua vào 16,13% cổ phiếu DCL của Dược phẩm Cửu Long từ tháng 1/2015 và có thời điểm tăng tỷ lệ sở hữu lên 74,61% (tháng 6/2018). Hiện nay, tỷ lệ này là 58,05%. Đối với Nông nghiệp Cần Thơ, F.I.T trở thành cổ đông lớn vào tháng 8/2014 và đến tháng 5/2016 nâng tỷ lệ sở hữu lên 56,69%. Đến nay, FIT nắm 41% vốn TSC. Liên tục mở rộng quy mô, đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của F.I.T đạt 7.847 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 6.461 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Nguyên Văn Sang - Chủ tịch HĐQT F.I.T đã đại diện cho 27 cổ đông cá nhân và 1 tổ chức với tổng số cổ phần có quyền biểu quyết lên đến 155,3 triệu, tương ứng 45,6% vốn điều lệ trong đó riêng CTCP Đầu tư Dũng Tâm nắm 30,3%. Chủ tịch HĐQT Dũng Tâm cũng chính là ông Nguyễn Văn Sang.

Dũng Tâm thành lập ngày 16/10/2012. Doanh nghiệp này từng có tên là CTCP Tập đoàn FIT trước khi đổi tên thành CTCP Đầu tư JJK Holdings vào đầu năm 2023. F.I.T cũng từng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên Dũng Tâm khi góp 68 tỷ đồng (tỷ lệ 18,63% vốn) để thành lập doanh nghiệp này vào năm 2012 nhưng sau đó đã thoái hết vốn chỉ sau một năm.

Dũng Tâm hiện diện tại FIT vào đầu năm 2016 sau khi ông Nguyễn Văn Sang lên làm Chủ tịch HĐQT tập đoàn này. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 sau đó không lâu, Dũng Tâm đã được F.I.T chấp thuận được sở hữu đến 51% số cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết đang lưu hành mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Đến tháng 4/2018, Dũng Tâm trở thành công ty mẹ chi phối đến 51% cổ phần tại F.I.T. Tuy nhiên, trong giai đoạn thăng hoa của cổ phiếu F.I.T vào nửa cuối năm 2021, tổ chức này đã bán ra 50 triệu cổ phiếu F.I.T qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 30,4% và không còn là cổ đông lớn. Từ đó đến nay, Dũng Tâm vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại F.I.T.

Theo giấy đăng ký kinh doanh công bố vào ngày 20/8/2018, Dũng Tâm có tổng cộng 8 cổ đông sáng lập, đóng góp tạo nên 1.030 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong đó, 2 cổ đông tổ chức là CTCP Hạt giống TSC (tỷ lệ 2,33%) và CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam (tỷ lệ 9,3%). Hạt giống TSC là công ty còn của TSC trong khi DCL đang nắm giữ 9,62% vốn tại Hoa Sen Việt Nam.

Các cổ đông lớn còn lại của Dũng Tâm đa phần đều có liên quan đến F.I.T, như ông Nguyễn Văn Sang (nắm 43,4%); bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – CEO F.I.T (nắm 17,6%); ông Phạm Công Sinh – Thành viên HĐQT F.I.T (nắm 7%); ông Phan Trung Phương – cựu Chủ tịch HĐQT F.I.T (nắm 18,37%). Chủ tịch HĐQT F.I.T sau đó đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên mức 62,8%.

Tin Cùng Chuyên Mục