Ngày pháp luật

Cổ phiếu tập đoàn thời trang xa xỉ Lanvin tăng mạnh sau khi IPO tại Mỹ

Kim Dung

Chủ sở hữu Fosun hy vọng đợt "chào sân" thành công này sẽ mở đường cho tập đoàn thời trang cao cấp gia nhập thị trường Trung Quốc và cạnh tranh với những tên tuổi tầm cỡ  như LVMH, Chanel, Hermès, Prada.

Cổ phiếu của Lanvin Group đã tăng vọt 36% khi IPO tại Mỹ ngày 15/12. Chủ sở hữu Fosun hy vọng đợt "chào sân" thành công này sẽ mở đường cho tập đoàn thời trang cao cấp tiến vào thị trường Trung Quốc.

Tập đoàn Lanvin Group, do Fosun International của tỷ phú Trung Quốc Guo Guangchang điều hành, đã niêm yết với mức định giá 1 tỷ USD trên Sở giao dịch chứng khoán New York thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Cổ phiếu của Lanvin Group đã tăng vọt 36% sau khi IPO.
Cổ phiếu của Lanvin Group đã tăng vọt 36% sau khi IPO.

Thương hiệu Lanvin được thành lập vào năm 1889, là hãng thời trang lâu đời nhất của Pháp và gặt hái được nhiều thành công trong hơn một thế kỷ. Năm 2001, tài phiệt người Đài Loan, Shaw-Lan Wang đã mua lại Lanvin. Tuy nhiên, bà Wang không phải là một người phù hợp để điều hành Lanvin. 

Trong 15 năm dưới sự điều hành của bà Wang, Lanvin liên tục thay thế CEO, đa phần rời bỏ thương hiệu vì sự bỏ bê trong quản lý. Giám đốc sáng tạo Alber Elbaz, người đã gắn bó với thương hiệu suốt 14 năm buộc phải từ chức trong năm 2015. Người kế nhiệm ông, Bouchra Jarrar, cũng rời Lanvin chỉ sau hai năm làm việc.

Thương hiệu thời trang của Pháp dần đánh mất thị phần vào tay đối thủ dẫn đến lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là trong 3 năm từ 2014 đến 2017. Riêng trong 2017, thương hiệu gần như đã hết vốn để vận hành.

Năm 2018, Chủ tịch Guo của Fosun đã mua lại cổ phần của nhà mốt Lanvin với tham vọng có thể phát triển một thương hiệu để cạnh tranh với những tên tuổi tầm cỡ như LVMH, Chanel, Hermès và Prada tại Trung Quốc.

Fosun hy vọng Lanvin sẽ hồi sinh và thanh toán được khoản vay 36 tỷ USD mà tập đoàn đã tích lũy trong thập kỷ qua để đẩy mạnh vào mảng du lịch, bóng đá và bảo hiểm. Điển hình vào năm 2016, Lanvin đã mua câu lạc bộ bóng đá Anh Wolverhampton Wanderers. Tuy nhiên, kể từ khi tiếp quản, Fosun vẫn chưa thể vực dậy nhà mốt của Pháp. Đợt IPO mới đây có thể là dấu hiệu lạc quan cho tương lai của Lanvin.

Joann Cheng, Chủ tịch kiêm CEO của Lanvin chia sẻ: “Lợi thế của chúng tôi hiện nay là quy mô không quá lớn, khá linh hoạt và có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường vĩ mô".

Đợt IPO thông qua thương vụ sáp nhập với Primavera Capital Acquisition Corporation lần này đã giúp Lanvin huy động được 150 triệu USD, thấp hơn mức kỳ vọng là 544 triệu USD.

Các cổ đông hiện tại của Tập đoàn Lanvin dự kiến ​​sẽ nắm giữ 55% cổ phần được niêm yết. Thời hạn hạn chế bán cổ phiếu được quy định là 1 năm. Các cổ đông của thương hiệu sẽ không thể chuyển nhượng cổ phần cho đến tháng 12 năm sau.

Lanvin sẽ sử dụng số vốn mới để mở rộng quy mô và có khả năng nhà mốt này sẽ tiến hành các thương vụ mua lại trong tương lai. Hãng thời trang của Pháp cũng đặt mục tiêu có lợi nhuận trong năm 2024 và tăng doanh thu gấp 3 lần lên gần 1 tỷ USD vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, kế hoạch đó còn phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Lanvin kỳ vọng doanh số bán hàng tại đất nước tỷ dân sẽ tăng 400% để nâng tỷ suất lợi nhuận từ 14% lên 28%. Theo công ty tư vấn Bain & Co, Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Trong nửa đầu năm nay, tập đoàn Lanvin đã báo cáo doanh thu đạt mức 214 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

Tin Cùng Chuyên Mục