Ngày pháp luật

Cổ phiếu SVN của Tập đoàn Vexilla Việt Nam tăng tốc cùng loạt giao dịch 'sang tay' của cổ đông lớn

Khánh Ly

Mã SVN của CTCP Tập đoàn Vexilla Việt Nam trên sàn HNX đang thu hút sự chú ý với diễn biến giá tăng mạnh và cơ cấu cổ đông có nhiều biến động thông qua các giao dịch mua bán lớn.

Kết thúc quý đầu năm 2025, cổ phiếu SVN ghi nhận mức tăng khoảng 40% và tiếp tục xu hướng tăng, thậm chí chạm giá trần trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ vừa qua (ngày 05/05), lên mức 6.700 đồng/cp. Đà tăng này diễn ra song song với hàng loạt giao dịch mua bán cổ phần đáng chú ý từ các cá nhân và tổ chức, làm xáo trộn đáng kể cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp.

Gần đây nhất, ngày 25/04, Vexilla Việt Nam đón nhận cổ đông lớn cá nhân mới là bà Nguyễn Thị Hà. Bà Hà đã chi khoảng 7,7 tỷ đồng (tạm tính theo giá đóng cửa 7.200 đồng/cp phiên đó) để mua vào gần 1,06 triệu cổ phiếu SVN thông qua phương thức khớp lệnh. Giao dịch này giúp bà Hà nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 5% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn trong khi trước đó không nắm giữ cổ phần nào và không có liên hệ nội bộ với công ty. Đáng chú ý, động thái gom cổ phiếu của bà Hà diễn ra trong phiên giao dịch mà giá SVN bất ngờ giảm sàn, sau chuỗi 7 phiên tăng giá liên tiếp trước đó.

Trước đó ít ngày, một giao dịch "lướt sóng" ngắn hạn cũng thu hút sự chú ý. Ngày 15/04, ông Vũ Chí Công mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu SVN, đạt tỷ lệ sở hữu 5,39% và nhanh chóng trở thành cổ đông lớn. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau (18/04), ông Công đã bán ra gần hết số cổ phần nắm giữ, giảm sở hữu về mức rất thấp. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, giá SVN đã tăng từ 4.700 đồng lên 5.700 đồng/cp. Ước tính, ông Công có thể thu về khoản lãi hơn 1 tỷ đồng từ thương vụ này.

Diễn biến "sang tay" cổ phiếu của các cổ đông lớn tại SVN đã diễn ra mạnh mẽ từ cuối năm 2024, cùng với đà tăng giá của mã này sau thời gian dài giao dịch trầm lắng quanh mức 3.000 đồng/cp với thanh khoản thấp.

Tháng 2/2025, ông Lê Văn An, người đại diện pháp luật của CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính Mya Capital (từng là cổ đông lớn của SVN), đã thoái sạch 1 triệu cổ phiếu và rời khỏi danh sách cổ đông. Mya Capital sau đó cũng hai lần giảm tỷ lệ sở hữu trong tháng 3, đưa tỷ lệ nắm giữ về 5%.

Ở chiều bán ra, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hoàng Gia Holding là tổ chức có động thái thoái vốn quyết liệt nhất. Công ty này đã liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu trong hơn 2 tháng rưỡi, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4/2025. Kết quả, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Gia Holding giảm mạnh từ 23,81% xuống còn 3,73% và không còn là cổ đông lớn của Vexilla Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, cùng với sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Hà, SVN cũng đón nhận ông Nguyễn Viết Cường trở thành cổ đông lớn cá nhân sau khi mua vào 1 triệu cổ phiếu trong ngày 11/04. Giao dịch này nâng tổng sở hữu của ông Cường lên gần 2 triệu cổ phiếu, tương ứng 9,52% vốn điều lệ.

Dù giá cổ phiếu SVN đã tăng mạnh 40% trong quý 1/2025 và 76% trong một năm qua, thị giá hiện tại vẫn thấp hơn khoảng 16% so với đỉnh đạt được vào cuối tháng 4. Thanh khoản bình quân của mã này trong năm nay cũng cải thiện, đạt hơn 149 nghìn cổ phiếu mỗi ngày.

Về tình hình kinh doanh, quý 1/2025, Vexilla Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 16 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng vọt lên gần 890 triệu đồng, cao gấp hơn 22 lần so với mức lợi nhuận rất khiêm tốn 38 triệu đồng của quý 1/2024. Công ty cho biết, kết quả lợi nhuận khả quan này chủ yếu đến từ khoản lãi 1,4 tỷ đồng ghi nhận từ việc thoái vốn đầu tư tại hai công ty khác là CTCP Veridian và CTCP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5.

Vexilla Việt Nam cũng vừa thông báo lùi thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2025 sang tháng 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Tiền thân là CTCP Solavina, Vexilla (SVN) được thành lập năm 2005. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn nông, lâm sản và động vật sống (trừ gỗ, tre, nứa). SVN có vốn điều lệ 210 tỷ đồng, trụ sở tại TP.HCM. Người đại diện pháp luật và Tổng Giám đốc hiện là ông Nguyễn Văn Chiến.

Tin Cùng Chuyên Mục