Theo đó, giá gốc số cổ phiếu ACB Âu Lạc đang sở hữu tại ngày 30/6/2023 là 175 tỷ đồng (~ 7,5 triệu cổ phiếu), chỉ bằng 48% so với giá gốc đầu tư vào cổ phiếu ACB thời điểm đầu năm là 365,5 tỷ đồng. Hiện nay khoản đầu tư vào ACB đang phải dự phòng 4,34 tỷ đồng. Như vậy Âu Lạc đã bán ra khi ACB mới chỉ về xấp xỉ giá mua.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022, Âu Lạc đã mua hơn 14 triệu cổ phiếu ACB với giá gốc 365,5 tỷ đồng (bình quân 26.000 đồng/cp). Trước đó, Âu Lạc là cổ đông lâu năm của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã CK: EIB). Sau đó, công ty này đã bán hết cổ phiếu EIB chuyển sang mua ACB.
Trong quý 2 năm nay, Âu Lạc ghi nhận lãi sau thuế 33,5 tỷ đồng, giảm 33%. Doanh thu công ty đạt 301 tỷ đồng trong quý 2, tăng gần 91%, lợi nhuận gộp đạt 79 tỷ, gấp 3,8 lần cùng kỳ. Nhưng doanh thu tài chính công ty giảm chỉ còn 12,72 tỷ, giảm tới 85% so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận giảm.
Được biết, trong quý 2/2022, việc bán cổ phiếu EIB đã đem về 79 tỷ đồng lãi tài chính cho Âu Lạc. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Âu Lạc ghi nhận doanh thu đạt 513 tỷ, tăng 83% và lợi nhuận sau thuế 91 tỷ, tăng 33%.
Vào năm 2018, CTCP Âu Lạc đã mua 3,7 triệu cổ phần EIB với giá 53,6 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp do bà Ngô Thu Thúy làm Chủ tịch HĐQT và nữ doanh nhân từng giữ vị trí cố vấn cấp cao HĐQT Eximbank vào năm 2015. Ông Lê Minh Quốc - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Âu Lạc giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank từ cuối năm 2015 đến tháng 5/2019. Một thành viên HĐQT khi đó là ông Nguyễn Thanh Tùng cũng là cựu Thành viên HĐQT Âu Lạc.
Vào đầu năm 2022, bà Ngô Thu Thúy nắm giữ gần 5% cổ phần của Eximbank nhưng nhiều khả năng nữ doanh nhân này cũng đã thoái ra cùng với Âu Lạc.