Ngày pháp luật

Có mô hình tương đồng, vì sao ClassPass thành "kỳ lân" còn WeFit lại phá sản?

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - Ra đời trước WeFit 3 năm, ClassPass cũng đã trải qua những thời điểm khó khăn nhất định. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ họ đã biết cách khắc phục sai lầm một cách kịp thời.

Startup từng được đánh giá rất cao về tiềm năng WeWow (tên cũ là WeFit) mới đây đã buộc phải xin phá sản do mất khả năng tài chính để duy trì hoạt động. Trong thông điệp gửi tới khách hàng, công ty cho biết ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến họ cạn kiện nguồn vốn. 

Tuy vậy, rất nhiều người cho rằng Covid-19 chỉ là "giọt nước tràn ly", bởi ngay từ thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện, rất nhiều đối tác và khách hàng đã lên tiếng tố cáo WeFit không thanh toán công nợ đúng thời hạn.

Nhìn ra thế giới, mô hình của WeFit có nhiều điểm tương đồng với ClassPass - một startup được thành lập năm 2013 tại Manhattan, Mỹ.

Có mô hình tương đồng, vì sao ClassPass thành

 

Được ví như "Uber trong ngành thể hình", ClassPass kết nối người dùng với hơn 25.000 phòng tập khác nhau.  Đầu năm 2020, công ty này đã công bố một gói tài trợ Series E khổng lồ trị giá 285 triệu USD, qua đó khiến mức định giá của ClassPass lên hơn 1 tỷ USD. 

Ra đời trước WeFit 3 năm, ClassPass cũng đã trải qua những thời điểm khó khăn nhất định. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ họ đã biết cách khắc phục sai lầm một cách kịp thời. 

Thời gian đầu, ClassPass cho người dùng trả phí thành viên chỉ 99 USD một tháng để tham gia vào tất cả các lớp hay phòng tập tại hàng trăm địa điểm đối tác. 

Vấn đề nảy sinh khi người dùng sử dụng triệt để ưu đãi "không giới hạn", khiến ClassPass thất bại trong việc tạo ra lợi nhuận để bù đắp chi phí. 

Đến ngày 2/11/2016, công ty quyết định chấm dứt hình thức không giới hạn. "Chúng tôi nhận ra mô hình này khiến việc kinh doanh trở nên không bền vững", CEO và nhà đồng sáng lập ClassPass, Payal Kadakia từng thừa nhận.

Với WeFit, họ đã lặp lại đúng sai lầm trên. "Khó khăn lớn nhất tới giờ của WeFit chính là việc chúng tôi đi theo mô hình buffet, vì vậy việc định giá các gói sản phẩm của WeFit rất khó khăn để khách hàng thấy đúng giá trị, đối tác cảm thấy không bị cạnh tranh thiếu công bằng, và bản thân WeFit có thể tạo được hiệu quả", cựu CEO Khôi Nguyễn chia sẻ vào tháng 11/2019. 

Vị này cũng cho biết trong "một số tình huống không như ý", WeFit đối mặt với việc khách hàng hoặc đối tác cố tình sử dụng lỗ hổng để thu lợi riêng, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh. "Lỗ hổng" mà cựu CEO Khôi Nguyễn nhắc tới, có thể hiểu là việc khách hàng tối đa hoá lợi ích bằng việc sử dụng chéo, một tài khoản được nhiều người sử dụng. 

Chỉ cho đến khi ông Nguyễn Hải Đăng thay thế vị trí của cựu CEO Khôi Nguyễn, công ty mới bỏ chính sách không giới hạn. Thay vào đó, người dùng bị ràng buộc bởi hệ thống điểm bị trừ sau mỗi buổi tập. Tuy nhiên, không lâu sau đó đại dịch Covid-19 bùng phát càng làm WeFit kiệt quệ và dẫn tới phải xin phá sản.

Tin Cùng Chuyên Mục