Ngày pháp luật

Cổ đông 'không tên' đứng sau bộ sách giáo khoa Cánh Diều

Kinh tế & Tiêu dùng

"Cánh Diều" là bộ sách giáo khoa duy nhất do tư nhân đứng ra chịu trách nhiệm biên soạn, xuất bản và có giá đắt nhất trong 5 bộ sách giáo khoa thuộc chương trình phổ thông mới nhưng lại đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của phụ huynh học sinh ngay khi sách vừa đưa vào sử dụng.

Cánh Diều là bộ sách giáo khoa xã hội hoá đầu tiên ở Việt Nam kể từ sau năm 1975, do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức biên soạn, xuất bản.

Dù bộ sách mới ra mắt từ tháng 12/2019, theo kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 mới vào cuối tháng 5/2020, bộ sách giáo khoa "Cánh diều" bất ngờ là bộ sách có nhiều sự lựa chọn hơn hẳn bốn bộ còn lại trong năm bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được Bộ GD-ĐT phê duyệt để các trường lựa chọn.

Có mức giá 199.000 đồng/bộ, đắt nhất trong 5 bộ sách giáo khoa thuộc chương trình phổ thông mới. "Cánh Diều" cũng là bộ sách giáo khoa duy nhất do tư nhân đứng ra chịu trách nhiệm biên soạn, xuất bản và cũng đã từng được kì vọng rất nhiều.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, bộ sách này đã xuất hiện nhiều bất cập được phản ánh như sử dụng phương ngữ, hình ảnh minh hoạ chưa chuẩn xác,… khiến nhiều người đặt dấu hỏi về chất lượng biên soạn sách của các đơn vị tham gia.

Đáng chú ý, ngoài Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TP HCM là hai NXB đã có kinh nghiệm, thì VEPIC là công ty tư nhân lần đầu tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Nhà đầu tư lớn nhất đứng sau VEPIC là ai?

Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) được thành lập vào tháng 7/2016, hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản sách và các ấn phẩm giáo dục, cung ứng thiết bị giáo dục, dịch vụ thiết kế và chế bản sách, kinh doanh bán lẻ,…

Vốn điều lệ ban đầu là 33,3 tỉ đồng, các cổ đông sáng lập gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Mã: EID) góp 12 tỉ đồng (36%) Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (Mã: SED) góp 12 tỉ đồng (36%), Công ty cổ phần Đầu Tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (Mã: DAD) góp 6 tỉ đồng, tương đương 18% vốn điều lệ.

Các cá nhân chiếm 9,9% vốn điều lệ ban đầu của VEPIC. Bao gồm ông Phạm Thanh Nam, người từng giữ chức Thành viên HĐQT DAD nắm 9% vốn. 

Ngoài ra, ông Dương Xuân Mộc - người từng giữ chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng Công ty Cổ phần In Sách giáo khoa tại TP Hà Nội (TPH) nắm 0,6% và ông Vũ Gia Hưng - Thành viên BKS TPH đồng thời là Phó trưởng phòng tài chính kế toán thuộc ban Kế hoạch Tài chính - Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam nắm 0,3% cổ phần còn lại.

Cổ đông 'không tên' đứng sau bộ sách giáo khoa Cánh Diều - Ảnh 1

Sau 5 tháng thành lập, tức vào tháng 11/2016, VEPIC đã thực hiện tăng vốn điều lệ gấp 3 lần số vốn ban đầu lên 108,7 tỉ đồng. 

Đáng chú ý, tỉ lệ sở hữu của EID, SED và DAD đều xuống lần lượt ở mức 11%, 11% và 5,5%. Các cổ đông cá nhân sáng lập của VEPIC cũng giảm sở hữu xuống chỉ còn khoảng 3%.

Như vậy, cổ đông mới - không được ghi trong Nội dung công bố thay đổi đăng kí doanh nghiệp đã sở hữu quá bán số cổ phần tại VEPIC.

Hai tháng sau, VEPIC tiếp tục thay đổi người đại diện từ ông Lê Thành Anh (sinh năm 1974) sang ông Ngô Trần Ái (sinh năm 1951) - nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam.

Đối với các cổ đông sáng lập VEPIC gồm SED, DAD và EID mặc dù trên danh nghĩa là các doanh nghiệp tư nhân nhưng đều đồng loạt thông qua các thoả thuận khung ngầm khẳng định mặc dù NXB Giáo dục Việt Nam không nắm tỉ lệ cổ phần đủ mức chi phối nhưng lại sở hữu quyền chi phối tại các doanh nghiệp này.

Trong tờ trình ĐHCĐ năm 2019 của SED công bố cho biết doanh nghiệp này "tự nguyện tham gia tổ hợp công ty mẹ - công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam và do NXB Giáo dục Việt Nam giữ quyền chi phối thông qua thỏa thuận kí kết giữa hai bên phù hợp với qui định của pháp luật".

Các cổ đông sáng lập - là các thành viên của NXB Việt Nam đã giảm tỉ lệ sở hữu tại VEPIC sau khi công ty thành lập được 5 tháng. (Đồ hoạ: Alex Chu)
Các cổ đông sáng lập - là các thành viên của NXB Việt Nam đã giảm tỉ lệ sở hữu tại VEPIC sau khi công ty thành lập được 5 tháng. (Đồ hoạ: Alex Chu)

Lỗ 3 năm liền trước khi bộ SGK Cánh Diều được đưa vào chương trình giảng dạy

Theo thông tin chúng tôi có được, tại thời điểm cuối 2019, VEPIC có tổng tài sản đạt 116,2 tỉ đồng; vốn góp ban đầu của chủ sở hữu là 108,5 tỉ đồng đã giảm còn 82,4 tỉ đồng do ghi nhận lỗ trong những năm gần đây.

Có thể thấy, nguồn thu của VEPIC trước thời điểm ra mắt bộ sách Cánh Diều là không đáng kể. Sau khi trang trải các chi phí, công ty đã liên tục lỗ từ 2017 - 2019.

Riêng năm 2019, doanh thu VEPIC ghi nhận 4 tỉ đồng và lỗ sau thuế 14,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, các con số này rất có thể đảo chiều tăng vọt trở lại trong năm nay sau khi bộ sách giáo khoa Cánh Diều được đưa vào sử dụng.

Cổ đông 'không tên' đứng sau bộ sách giáo khoa Cánh Diều - Ảnh 2

Hiện tại, ngoài đồng biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa Cánh Diều, VEPIC còn chịu trách nhiệm tái bản một số sách thuộc chương trình tiểu học do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành, các sách dành cho giáo viên thuộc bộ Cánh Diều,…

Đến nay, theo VEPIC, đã có 20 tỉnh đặt bộ sách giáo khoa Cánh Diều để giảng dạy trong năm học 2020 - 2021, với hơn 3 triệu bản sách được cung ứng cho các đơn hàng này.

Trong đó nhiều địa phương có tỉ lệ chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều cao như: Long An 100%, Phú Thọ 100%, Sơn La 100%, Thái Nguyên 100%, Tây Ninh 95%, Tiền Giang 75,86 %, Thái Bình: 64,08%, Hậu Giang 77%…

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa để sử dụng trong năm học 2020 - 2021. Trong đó NXB Giáo dục Việt Nam đã có 4 bộ gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, và cuối cùng là bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Riêng Cánh Diều là bộ sách giáo khoa duy nhất do tư nhân đứng ra chịu trách nhiệm biên soạn, xuất bản.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục