Đầu tháng 8, HĐQT Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) ra nghị quyết dừng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn sở hữu tại CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, chủ đầu tư tuyến cao tốc cùng tên nối Ninh Bình với cửa ngõ Thủ đô. Đây được coi như động thái chấm dứt lùm xùm kéo dài gần 4 năm của Cienco 1 với dự án này.
Tháng 1/2017, Cienco 1 thông báo muốn thoái 18% cổ phần sở hữu tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ; chiều ngược lại mua một phần sở hữu tại CTCP BOT cầu Bạch Đằng (chủ đầu tư dự án cầu Bạch Đằng - Quảng Ninh).
Các giao dịch đều dự kiến được thực hiện với CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) và các bên liên quan của công ty này.
Quyết định thoái vốn của Cienco 1 đến sau những lùm xùm xung quanh dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Từ giữa năm 2016, Cienco 1 lên mặt báo tố cáo chủ đầu tư cao tốc đã gian lận trong quá trình thu phí, cụ thể là doanh thu báo cáo quá thấp so với lưu lượng giao thông thực tế.
CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là liên doanh được hình thành từ cái bắt tay giữa CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát (Minh Phát), Cienco 1 và Phương Thành Tranconsin. Trong đó Phương Thành Tranconsin và Minh Phát có liên quan, hai đơn vị sở hữu tới 82% cổ phần trong BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Theo dữ liệu thu thập của chúng tôi, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nằm trong số những BOT giao thông có hiệu quả sinh lời ấn tượng, thậm chí báo lãi "khủng" ngay từ năm thứ hai triển khai thu phí.
Cụ thể, trong năm 2016, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lãi ròng 342 tỷ đồng, trên doanh thu thuần 561 tỷ đồng (chủ yếu từ thu phí). Lợi nhuận tiếp tục tăng lên 465 tỷ đồng trong năm tiếp theo, với doanh thu tương ứng gần 690 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tiếp tục duy trì ở mức này trong 2018, trước khi lợi nhuận ròng bất ngờ sụt giảm trong 2019 còn 266 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ biên lợi nhuận gộp từ trên 80% rơi xuống còn 65%.
Với hiệu quả sinh lời như vậy, các cổ đông của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có lẽ như "mở cờ trong bụng". Và việc chần chừ thoái vốn của Cienco 1 có cái lý của nó.
Dự án nâng cấp tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có chiều dài 29 km, khởi công từ giữa năm 2014, hoàn thành sau hơn một năm. Dự án chia làm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng, hoàn toàn sử dụng vốn tư nhân.
Các nhà đầu tư được lập trạm thu phí để tự hoàn vốn cho dự án với mức phí ban đầu tư 45.000 – 175.000 đồng. Lộ trình tăng phí 18%/3 năm, thời gian thu phí kéo dài 17 năm, 2 tháng, 18 ngày.
Thành công của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ khiến nhiều chủ đầu tư BOT giao thông khác phải ngước nhìn một cách thèm thuồng. Lấy ví dụ như trường hợp của Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), chủ đầu tư tuyến cao tốc huyết mạch khác Hà Nội - Hải Phòng mỗi năm báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Trong 4 năm gần nhất, công ty này lỗ lũy kế gần 6.700 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính đến từ áp lực lãi vay lớn, nên mặc dù nguồn thu tăng trưởng tương đối tốt những vẫn không thể bù đắp. Bên cạnh đó, các khoản tham gia của Nhà nước trong giải phóng mặt bằng chậm giải ngân cộng thông việc tăng giá thu phí không được thực hiện theo lộ trình (dù quyết định ban đầu là Vidifi có toàn quyền) gây cho khăn cho chủ đầu tư.
Hay như BOT cầu Bạch Đằng, dự án cũng có sự tham gia của Cienco 1 và nhóm Phương Thành Tranconsim lần lượt lỗ ròng 134 tỷ đồng và 356 tỷ đồng trong hai năm gần nhất.
Cầu Bạch Đằng khánh thành vào tháng 9/2018, doanh thu trong 2019 đạt 189 tỷ đồng được cho là không đạt kỳ vọng. Đây là dự án với mức đầu tư 7.600 tỷ đồng do 9 đơn vị tham gia, trong đó có cả phần ngân sách từ tỉnh Quảng Ninh.
Cầu Bạch Đằng hoàn thành giảm cự ly Quảng Ninh đi Hà Nội, từ 180km còn 130 km, thời gian còn 1,5 giờ so với trước đây 3,5 giờ.
Link bài gốc