Chuyên gia pháp lý: Trào lưu livestream "đấu tố" trên mạng xã hội có thể khiến người tham gia bị xử lý hình sự

Giang Phạm

Việc thực hiện livestream để lăng mạ, xúc phạm người khác nhẹ có thể bị xử lý hành chính, nếu phạm tội nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Vài năm trở lại đây, livestream đã trở thành "món ăn" phổ biến của nhiều người sử dụng mạng xã hội. Đây được coi là công cụ hữu ích để giao tiếp, giúp nhiều người bày tỏ quan điểm, tâm tư, cảm xúc cũng như truyền thông tin, sự kiện đến cộng đồng. Tại livestream, họ có thể bày tỏ quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận... tuy nhiên việc sử dụng công nghệ hiện đại này đôi khi gây khá nhiều bất cập, rủi ro cho người phát sóng và chủ sở hữu. 

Nói cách khác, nếu người thực hiện livestream có hành vi vi phạm pháp luật là lăng mạ, chửi bới, xúc phạm người khác hay dùng sản phẩm công nghệ này để xâm phạm bản quyền nhãn hiệu, tác giả, quyền cá nhân liên quan sẽ dễ chịu rủi ro, hậu quả pháp lý. 

Việc thực hiện livestream để lăng mạ, xúc phạm người khác có thể bị xử lý hành chính.
Việc thực hiện livestream để lăng mạ, xúc phạm người khác có thể bị xử lý hành chính.

Chia sẻ với Doanhnhan.vn, Luật sư Lê Văn Hồi, Công ty Luật TNHH My Way cho biết, tùy thuộc vào tính chất của hành vi vi phạm, hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính.

Trong đó, tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Thậm chí, nếu người livestream xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì tùy vào mức độ mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác. 

Nếu phạm tội này, theo điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như phạm tội 2 lần trở lên; phạm tội với 2 người trở lên, lợi dụng chức vụ quyền hạn, người đang thi hành công vụ, đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng chăm sóc chữa bệnh cho mình, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% - 45% thì sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 

Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 - 5 năm khi gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát.

Tuy nhiên theo luật sư Hồi hiện nay, tội lăng mạ, xúc phạm... người khác trên Facebook, livestream rất ít khi bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính.

 

Ngày 28/5, Bộ Thông tin và truyền thông vừa có văn bản đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Lãnh đạo Bộ đề nghị UBND tỉnh, công an tỉnh, thành phố rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn.

Với những trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của người vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.

Tin Cùng Chuyên Mục