Ngày pháp luật

Chuyên gia cảnh báo: Tình trạng thiếu chip toàn cầu có thể sớm biến thành dư cung do các ông lớn đầu tư ồ ạt

Như Quỳnh

Không chỉ các tập đoàn lớn, Chính phủ các nước cũng đang kích hoạt các gói ngân sách khổng lồ nhằm giúp các công ty nội địa làm chủ công nghệ bán dẫn.

Từ tình hình tắc nghẽn chuỗi cung ứng đến lạm phát gia tăng, nhiều người đang đặt câu hỏi liệu chúng ta có sắp chứng kiến ​​sự kết thúc của cuộc khủng hoảng thiếu chip hay không?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu chip

Nguồn cung chip hạn chế dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng và hàng loạt những hậu quả khác bao gồm gián đoạn các hoạt động công nghiệp và an ninh chuỗi cung ứng.

Xu hướng chuyển sang ô tô điện cũng là một nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng thiếu chip. Ảnh: Automotive garage
Xu hướng chuyển sang ô tô điện cũng là một nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng thiếu chip. Ảnh: Automotive garage

Có những lý do mang tính chu kỳ và cấu trúc khiến nhu cầu về chất bán dẫn tăng mạnh. Theo chu kỳ, với quá nhiều lao động chuyển sang hoạt động trực tuyến, đại dịch đã giải phóng nhu cầu mạnh mẽ về các sản phẩm điện tử bị dồn nén trong những năm trước đó. Xu hướng tích trữ hàng hóa trong thời kỳ đại dịch cũng dẫn đến việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng. 

Về mặt cấu trúc, công nghệ điện khí hóa, chẳng hạn như sản xuất xe điện và số hóa yêu cầu chất bán dẫn loại cao cấp chỉ có thể được sản xuất bởi các xưởng đúc bán dẫn tiên tiến nhất, vốn chủ yếu tập trung ở Đài Loan.

Phản ứng của người trong cuộc 

Khi nhu cầu về chip tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, những người chơi lâu đời trong ngành bán dẫn phản ứng theo hai cách. 

Đầu tiên là các ông lớn bán dẫn chi tiêu mạnh tay hơn. Trường hợp rõ ràng nhất là TSMC (Đài Loan) - nhà đúc chip lớn nhất thế giới tăng ngân sách từ 30 tỷ USD vào năm 2021 lên mức kỷ lục 44 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó Intel (Mỹ) cũng lập kế hoạch đầu tư khổng lồ 100 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới để xây mới và mở rộng các nhà máy bán dẫn.

Nhiều nước lớn coi việc làm chủ công nghệ bán dẫn gắn liền với an ninh quốc gia, đây cũng là nguyên nhân khiến Vương quốc Anh phản đối tập đoàn Nvidia (Mỹ) mua lại nhà sản xuất chip Arm từ Softbank với giá 40 tỷ USD. Ảnh: Getty Images.
Nhiều nước lớn coi việc làm chủ công nghệ bán dẫn gắn liền với an ninh quốc gia, đây cũng là nguyên nhân khiến Vương quốc Anh phản đối tập đoàn Nvidia (Mỹ) mua lại nhà sản xuất chip Arm từ Softbank với giá 40 tỷ USD. Ảnh: Getty Images.

Thứ hai, dễ nhận thấy Chính phủ ở một số nền kinh tế lớn cũng kích hoạt những gói tiêu khổng lồ để thúc đẩy sản xuất chip trong nước. Trung Quốc đã sớm đi đầu khi thành lập hai quỹ lớn liên tiếp để hỗ trợ đổi mới ngành bán dẫn nội địa vào năm 2014. Nước này là nơi tiêu thụ 35% lượng chip trên toàn cầu thế nhưng năng lực sản xuất chỉ ở mức 6%.

Bắc Kinh xác định nâng cấp ngành bán dẫn là một trong những bước quan trọng nhất mà họ phải thực hiện nếu muốn củng cố chỗ đứng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào hai quỹ trên rơi vào khoảng 50 tỷ USD. Tuy nhiên theo Nikkei Asia, chủ yếu số tiền chỉ giúp tăng nguồn cung với các loại chip kém tiên tiến hơn. 

Cùng với các gói thầu lớn tương tự được Mỹ và EU chấp thuận, nguy cơ về tình trạng dư cung trong dài hạn, đặc biệt là trong các dòng chip cấp thấp đang hiện hữu.  

Bùng nổ đầu tư vào các dòng chip cấp thấp

Năng lực sản xuất chất bán dẫn kém tiên tiến sẽ tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2023 trở đi khi nhiều kế hoạch đầu tư được thực hiện. Mặc dù TSMC đang cố gắng đi sâu vào lĩnh vực chip tiên tiến, công ty vẫn sẽ phân bổ tới 20%, tương đương khoảng 9 tỷ USD để sản xuất các loại chip cấp thấp.

United Microelectronics (Đài Loan), xưởng đúc lớn thứ ba thế giới chuyên về các loại chip 40 nm hoặc cũ hơn, cũng sẽ tăng 66% chi tiêu vốn lên 3 tỷ USD vào năm 2022. Công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc - Semiconductor Manufacturing International Co. (SMIC) cũng đầu tư trung bình 4 -5 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2019 - 2021 để đúc các loại chip đơn giản, chủ yếu được dùng trong các thiết bị điện tử hàng ngày. 

Một nhà máy sản xuất chip của Intel. Ảnh: Getty Images.
Một nhà máy sản xuất chip của Intel. Ảnh: Getty Images.

Một xu hướng phát triển khác đang diễn ra trong ngành công nghiệp bán dẫn là mở rộng ra nước ngoài thông qua các dự án greenfields (công ty mẹ lập ra một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng các hoạt động lại từ đầu) hoặc sáp nhập. 

TSMC đã công bố kế hoạch đầu tư nhiều hơn nữa vào Mỹ và Nhật Bản, và có khả năng là Đức và Cộng hòa Séc trong tương lai. Tương tự như vậy, tập đoàn sản xuất chip theo hợp đồng Foxconn cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ.

Hay mới đây vào tháng 2, truyền thông đưa tin Intel  đang gần đạt được thỏa thuận mua lại công ty chip Tower Semiconductor của Israel với giá gần 6 tỷ USD

Dự đoán của chuyên gia

Nhìn chung, tình trạng thiếu chip sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 nhờ các nhà máy ở châu Á đi vào hoạt động ổn định. Nguồn cung sẽ còn dồi dào hơn nữa vào năm 2023, tuy nhiên phần lớn là các loại chip kém tiên tiến, tình trạng thiếu hụt sẽ chỉ còn xuất hiện ở những dòng chip cao cấp. 

Dây chuyền sản xuất đĩa bán dẫn - một loại chip cấp thấp tại một nhà máy ở Gia Hưng, Trung Quốc. Ảnh: AP.  
Dây chuyền sản xuất đĩa bán dẫn - một loại chip cấp thấp tại một nhà máy ở Gia Hưng, Trung Quốc. Ảnh: AP.  

Điều này có nghĩa là các ngành điện tử gia dụng - khách hàng lớn nhất với ngành công nghiệp bán dẫn sẽ có thể khôi phục sản xuất về mức trước khủng hoảng. Ở phía ngược lại, nhiều ông lớn dẫn đầu ngành chip sẽ chuyển sang thị trường cấp cao hơn. TSMC, Intel hay Foxconn được dự đoán sẽ ghi nhận tỷ suất lợi nhuận tăng cao hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục vượt cung. 

Mặc dù vậy vẫn còn những nguy cơ tiềm năng dẫn đến việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng chip, bao gồm việc thiếu hụt các nguyên liệu thô quan trọng như đất hiếm do tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng. 

Các yếu tố khác như biến đổi khí hậu hay việc đáp ứng các mục tiêu phát thải cũng có thể ảnh hưởng đến quy trình sản xuất chất bán dẫn và tạo nên áp lực tăng giá với các hãng đúc chip. 

Tin Cùng Chuyên Mục