Theo một tuyên bố từ chính phủ Ấn Độ, nước này đã nhận được đề xuất đầu tư trị giá 20,5 tỷ USD từ năm công ty để sản xuất chất bán dẫn.
Các công ty bao gồm Vedanta liên doanh với Foxconn, IGSS Ventures pte có trụ sở tại Singapore và ISMC. Trong đó, riêng ISMC đề nghị đầu tư tới 13,6 tỷ USD để sản xuất chip sử dụng trong nhiều loại sản phẩm từ thiết bị 5G đến ô tô điện. Cả ba tập đoàn đều đề nghị được chính phủ Ấn Độ hỗ trợ, số tiền tổng cộng là 5,6 tỷ USD trích từ nguồn dự án khuyến khích đầu tư vào ngành bán dẫn.
Hai công ty còn lại - Vedanta và Elest cũng đệ trình các đề xuất trị giá 6,7 tỷ USD để sản xuất các tấm màn hình và hy vọng được Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ khoản ưu đãi trị giá 2,7 tỷ USD.
“Mốc thời gian nộp đơn đăng ký trong phân khúc sản xuất màn hình và bán dẫn có chút khác nhau, nhưng chương trình khuyến khích đầu tư đã tạo được phản ứng tốt”, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết.
Thị trường chất bán dẫn ở quốc gia Nam Á ước tính đạt 63 tỷ USD vào năm 2026 so với 15 tỷ USD vào năm 2020. Chương trình khuyến khích đầu tư là nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế và đảo ngược tình trạng suy thoái do đại dịch gây ra.
Các ưu đãi được công bố trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu được dự đoán có khả năng kéo dài đến đầu năm 2023 và nhu cầu vẫn cao trong dài hạn.
Trong thời gian gần đây, Ấn Độ là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài chất bán dẫn, tài chính công nghệ (fintech) cũng là lĩnh vực được chú trọng tại đây. Chỉ riêng năm 2021, nhiều tổ chức đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân đã đầu tư 6,4 tỷ USD vào các công ty fintech Ấn Độ