Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu những ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô tiêu cực trên thế giới. Theo dự phóng của KBSV, trong kịch bản cơ sở là Mỹ và các nước EU sẽ suy thoái nhẹ bắt đầu từ quý IV/2022, tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự giảm tốc với các yếu tố tiêu cực bao gồm: (1) Hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế tại các đối tác lớn như Mỹ và EU; (2) Nền lãi suất cao gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp; (3) Rủi ro từ thị trường TPDN với tổng giá trị đáo hạn lên đến 400 nghìn tỷ VND năm 2023.
“Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tài sản của ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn – vốn là ngành chu kì và có dư nợ trái phiếu ở mức cao”, KBSV nhận định.
Với TPBank, nhóm phân tích cho rằng, trong năm 2021-2022, ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu, giúp giảm tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 1,2-1,3% giai đoạn 2019-2020 về dưới 1%. Ngoài ra, TPBank cũng đã chủ động trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu với tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến cuối quý IV/2022 đạt 135% qua đó giảm áp lực lên lợi nhuận trong các năm tới với dự báo sẽ có nhiều khó khăn hơn đối với ngành ngân hàng.
Mặt khác, KBSV cho biết chất lượng các khoản lãi phí phải thu của TPBank liên tục được cải thiện với số ngày thu bình quân lãi phí phải thu giảm từ 113 ngày năm 2014 xuống 42 ngày năm 2022, tương đương với tiêu chí kì hạn của nợ nhóm 2. Mặc dù đang có dấu hiệu tăng nhẹ trong giai đoạn 2021 – 2022, số ngày thu bình quân lãi – phí phải thu của TPBank vẫn đang thấp hơn trung bình nhóm các ngân hàng theo dõi là 49 ngày cho thấy TPB đang kiểm soát các khoản lãi phí phải thu khá tốt so với trung bình ngành.
Theo quan điểm của KBSV, TPBank đang có những sự chuẩn bị để kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh triển vọng vĩ mô không có nhiều điểm tích cực trong năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu hiện tại vẫn đang ở mức tốt, đạt 0,84%, thấp thứ 4 trong nhóm ngân hàng quan sát sau ACB và VCB. Tỷ lệ nợ xấu cho vay mua nhà và cho vay ô tô tại thời điểm hiện tại vẫn ở mức thấp, lần lượt đạt 0,5% và 0,76%. Tỷ lệ trích lập nợ xấu tính đến hết năm 2022 đạt 135%, cao hơn tương đối so với nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản tương đồng.
Bên cạnh đó, TPBank đã có những động thái giảm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ tính đến cuối năm 2022 đạt 21.624 tỷ VND, giảm 21,6% so với mức đỉnh vào cuối quý I/2022, tương đương 11,8% tổng dư nợ tín dụng.
Theo KBSV, mặc dù đã có những động thái kiểm soát chất lượng tài sản tốt và giảm dư nợ trái phiếu nhưng với thực trạng mảng bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ và là ngân hàng có tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, hoạt động kinh doanh của TPBank sẽ chịu tác động trong trường hợp thị trường bất động sản và trái phiếu xấu hơn dự kiến.