Ngày 1/10, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) chính thức giới thiệu thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit tại TP HCM, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép thành lập và cách thức hoạt động của EVN Finance.
Theo đó, trong tháng 10 này, Easy Credit ra mắt thị trường gói cho vay tiền mặt, khách hàng nhắm đến của công ty là những người có thu nhập trung bình, với mức thu nhập tối thiểu hàng tháng khoảng 4,5 triệu đồng.
Trước mắt, gói vay tiền mặt sẽ được công ty áp dụng tại 5 tỉnh, thành phố, bao gồm: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu. Theo đó, khoản vay thấp nhất áp dụng là 10 triệu đồng và tối đa không quá 90 triệu đồng, thời hạn vay từ 6 - 60 tháng tùy khoản vay.
|
Cho vay tiêu dùng đang hút nhiều đơn vị tham gia. Ảnh: PV. |
Trước đó giữa tháng 8, Công ty Tài chính TNHH MTV Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cũng đã khai trương trụ sở mới tại Hà Nội. Đồng thời, công ty này chính thức ra mắt thị trường cho vay tài chính với các gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trước tiên, công ty cũng cho vay tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, sau thời gian hoạt động thử nghiệm và kiện toàn hệ thống.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, sự xuất hiện của SHB Finance đánh dấu bước phát triển mới của thị trường tài chính tiêu dùng.
Mới đây, Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng cũng đổi tên thành Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company), hay Ngân hàng Đông Nam Á - SeABank công bố mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty Tài chính Bưu điện. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng tỏ rõ mong muốn gia nhập thị trường này như Vietcombank, ACB hay OCB.
Làn sóng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là điều dễ hiểu khi các số liệu thống kê cho thấy người Việt ngày càng thích vay để chi tiêu hơn. Theo đó, dư nợ tiêu dùng của người Việt vào cuối năm ngoái đã lên đến hơn 5 tỷ USD. Trong bối cảnh này, giới chuyên gia cho rằng các định chế tài chính sẽ tiếp tục nhắm đến thị trường tiềm năng này. Chính vì vậy mà trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt công ty tài chính bắt đầu chuyển mình để chính thức bước vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng nhằm khai thác mảnh đất đầy tiềm năng.
Công ty mới gia nhập thị trường vào năm ngoái là Mcredit thậm chí cũng đã báo lãi ngay trong năm đầu tiên hoạt động, với tổng dư nợ khoảng 1.549 tỷ đồng. Đây là liên doanh giữa Ngân hàng Quân Đội (nắm 51%) và Shinsei Bank (Nhật).
Còn với các công ty tài chính hiện hữu thì cũng ngày càng phát triển nhanh hơn và chưa có dấu hiệu giảm tốc. Năm 2017, FE Credit cho biết doanh thu năm 2017 tăng 45%, lợi nhuận tăng 55% so với cùng kỳ. Còn doanh số của Home Credit tăng 50% so với năm 2016. Trong khi đó, HD Saison có dư nợ tín dụng gần 9.500 tỷ đồng, tăng hơn 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp tham gia hơn sẽ giúp lãi suất cho vay trở nên cạnh tranh, khi đó sản phẩm là yếu tố được chú ý đến.
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho rằng, dù cho vay tiêu dùng phát triển rất nhanh trong thời gian qua, nhưng vẫn còn khá nhỏ so với tiềm năng của thị trường. Theo đại diện này, tiềm năng khai thác thị trường vẫn còn lớn nhờ xu hướng cho vay tiêu dùng là tất yếu trên thế giới. Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới chỉ đạt mức khoảng 11,4%, trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%.
Tuy nhiên, khi nhiều đơn vị gia nhập thị trường cũng là lúc nguy cơ rủi ro lên mức cao khi các công ty bước vào cuộc đua giảm lãi suất, hạ chuẩn cho vay và kéo theo đó là các hệ luỵ về nợ xấu, đòi nợ thuê...
Mới đây, cơ quan chức năng yêu cầu các công ty tài chính phải chấn chỉnh lại hoạt động đòi nợ của mình. Hiện nay, việc đòi nợ của các công ty này được chia làm 2 bộ phận: đòi nợ nội bộ và đòi nợ thuê.
Việc đôn đốc, thu hồi nợ được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải theo đúng quy định tại Thông tư số 43, không thực hiện đòi người không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính tiêu dùng...