Ngày pháp luật

Chợ tình Khâu Vai - Hà Giang trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Thành Trung

Chợ tình Khâu Vai có lịch sử hơn 100 năm, là phiên chợ nổi tiếng ở tỉnh Hà Giang, mỗi năm chỉ họp duy nhất 1 ngày, ngày 27/3 âm lịch. Vào ngày này, chị em phụ nữ mặc bộ trang phục đẹp nhất, đàn ông cũng diện bộ đồ tươm tất nhất rồi cùng đến chợ gặp gỡ, giao lưu với nhau.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1952 đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chợ tình Khâu Vai.
Chợ tình Khâu Vai.

Từ "Khau Vai" trong tiếng Tày - Nùng nghĩa là ‘đèo gai’. Nhưng nhiều tư liệu dùng là "Khâu Vai". Khách đi du lịch khi đến Hà Giang còn gọi chợ với cái tên thân mật khác là chợ Phong Tình. Khâu Vai là phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta, thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên toàn thế giới.

Chợ tình Khâu Vai có lịch sử hơn 100 năm, mỗi năm chỉ họp duy nhất 1 ngày vào 27/3 âm lịch. 

Do vậy, từ chiều 26/3 âm lịch từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình, đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những người ở bản xa, cách chợ tình Khâu Vai những ba quả núi, bốn năm con suối, thì thường đi từ sớm hơn.

Chợ tình Khâu Vai - Hà Giang trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1

Tập tục nơi đây không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa.

Chợ tình Khâu Vai - Hà Giang trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2

Chợ là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung.

Hiện nay, do kết hợp cùng các hoạt động văn nghệ, quảng bá văn hóa địa phương nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày, nhưng phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3 với các hoạt động đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống.

 

Truyền thuyết chợ tình Khâu Vai

Sự tích chợ tình bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của 2 người bị ngăn cấm.

Họ đã đưa nhau lên hang trên núi Khâu Vai để trốn, sống qua ngày. Vậy nhưng ở dưới bản, họ hàng tộc cô Út vác cung vác nỏ sang mắng chửi nhà trai đã đem cô bỏ nhà đi. Nhà trai cũng mang gậy, mang dao ra đánh chửi nhà gái.

Từ hang trên núi, hai người thấy cảnh họ hàng vì mình mà đâm chém nhau, họ đau lòng mà đành chia tay, trở về làm tròn bổn phận với gia tộc. Trước khi chia tay họ hẹn 27/3 hàng năm sẽ lại đến Khâu Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách. Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày.

Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ là "miếu Ông", "miếu Bà" và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.