Năm 2002, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Chính phủ chủ trương xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo chủ trương đầu tư dự án ở thời điểm đó, Thủ tướng cho phép Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) sử dụng hơn 4.700 tỷ đồng tiền sử dụng đất khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho dự án cao tốc. Việc này đã thống nhất bằng văn bản và được 4 cơ quan là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước thẩm định.
Ngoài ra nhiều cơ chế hỗ trợ khác như việc chuyển các khoản vay nước ngoài sang hình thức vốn góp của nhà nước, hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất... cũng chưa được hoàn trả cho nhà đầu tư. Điều này dẫn đến dự án gặp nhiều khó khăn trong phương án hoàn vốn.
Thực tế khó khăn của dự án, chủ đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng được ghi nhận trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Chính trị đã có kết luận, giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ bố trí ngân sách cấp đủ kinh phí cam kết trả cho nhà đầu tư tại dự án này. Do đó, việc sớm giải quyết các khoản hỗ trợ dự án "là cần thiết, nhưng cần báo cáo Thủ tướng cho phép, xin ý kiến Thường trực Chính phủ chỉ đạo thực hiện".
|
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa vào khai thác từ tháng 12/2015, giảm thiểu lưu lượng xe cho Quốc lộ 5 (cũ). Ảnh: Giang Huy |
Phó thủ tướng giao Vidifi căn cứ ý kiến các Bộ hoàn thiện lại Tờ trình, trong đó lưu ý về tiền sử dụng đất khu đô thị Gia Lâm. Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cho Bộ Giao thông tham gia góp vốn theo quy định về đầu tư PPP. Phần hỗ trợ không tính vào phương án thu hồi vốn của nhà đầu tư.
Trong khi chưa bố trí được vốn ngân sách Trung ương cho dự án, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục để thành phố Hà Nội tạm ứng vốn từ tiền sử dụng đất khu đô thị Gia Lâm, sau đó ngân sách Trung ương sẽ hoàn trả.
Về chuyển nhượng vốn góp và quyền góp vốn của Vidifi tại dự án này, lãnh đạo Chính phủ lưu ý, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với trách nhiệm của người đại diện vốn của chủ đầu tư phân tích kỹ điểm lợi và tính khả thi của các phương án (thoái vốn hay không thoái vốn) để báo cáo Thủ tướng cho ý kiến về chủ trương.
"Việc chuyển nhượng vốn góp và quyền góp vốn của Vidifi phải theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan trên nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch", văn bản truyền ý kiến của Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trên cơ sở Tờ trình được Vidifi hoàn thiện, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các Bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội, tổng hợp, trình Thủ tướng cho phép họp Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, Vidifi đã có nhiều văn bản gửi tới các cấp có thẩm quyền kêu lỗ, lo phá sản nếu bị chậm hoàn tiền các khoản kinh phí Nhà nước cam kết trả cho dự án này. Ngoài các phần vốn góp của Nhà nước chưa được nhận, chủ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng phải trả nợ hàng nghìn tỷ đồng vốn vay thương mại do bị chậm hoàn trả...
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5 - 11,4% trong 30 năm.
Trong nhiều báo cáo trước đây, doanh nghiệp liên tục nói tình hình kinh doanh, khai thác dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị lỗ trung bình 2,5 tỷ đồng mỗi ngày.