Ngày pháp luật

Chỉ có 0,59% công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Theo Hà Vũ/VnEconomy

Trong tổng số 284.668 công chức chỉ có 1.690 người, chiếm 0,59% không hoàn thành nhiệm vụ...

Đó là con số được nêu tại báo cáo của Bộ Nội vụ gửi các vị đại biểu Quốc hội, về thực hiện các nghị quyết sau chất vấn, giám sát của Quốc hội.

Chỉ có 0,59% công chức không hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh 1

 

Còn lúng túng

Theo báo cáo, tính đến ngày 22/4/2019, Bộ Nội vụ đã nhận và tổng hợp số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 19/33 bộ, ngành ở Trung ương và 45/63 địa phương.

Kết quả tổng hợp, đối với công chức, trong tổng số 284.668 người, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 76.695 người, chiếm tỷ lệ 26,94%. Hoàn thành tốt nhiệm vụ có 197.377 người, chiếm tỷ lệ 69,34%. Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 6.732 người, chiếm tỷ lệ 2,36%.

Không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 1.690 người, chiếm tỷ lệ 0,59%.

Đối với viên chức, trong tổng số 1.104.393 người thì chỉ có 4.244 người không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 0,38%.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, tính đến ngày 15/10/2018, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo nghị định số 68/2000/NĐ-CP của các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế theo nghị định số 108/2014/NĐ-CP là 40.500 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; năm 2018: 10.139 người).

Công tác quản lý công chức, viên chức, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, đã đổi mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, công tác quy hoạch, luân chuyển chưa tốt, củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ, công chức và tuyển dụng công chức chưa được như mong muốn, còn có những sai phạm trong công tác tuyển dụng ở một số bộ, ngành địa phương.

Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành còn lúng túng, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, phân loại; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm.

Cải cách tiền lương nhiều khó khăn

Liên quan đến chính sách tiền lương, báo cáo cho biết, các bộ, cơ quan đang tổng hợp, đánh giá thực trạng chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý qua các giai đoạn, rà soát văn bản quy định về chính sách tiền lương, trên cơ sở đó, đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại nghị quyết số 27-NQ/TW.

Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, như điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2019 theo nghị quyết của Quốc hội từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng.

Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong khu vực doanh nghiệp từ ngày 1/1/2020 theo mục tiêu của đề án (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện).

Nhiệm vụ nữa là rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị (Ban Tổ chức Trung ương chủ trì thực hiện). Xây dựng chế độ tiền lương mới báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng tiến độ quy định tại nghị quyết số 107/NQ-CP.

Nhìn nhận những hạn chế, Bộ Nội vụ cho rằng, cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn. Việc đổi mới cơ chế đối với khu vực sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Hệ thống thang, bậc lương còn bình quân, do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, nhưng đã phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề, Bộ Nội vụ đánh giá.

Tin Cùng Chuyên Mục