Ngày pháp luật

Châu Á đang đối mặt với "cú sốc thứ ba", nguy cơ tê liệt ngành tài chính

Trần Phương (theo Nikkei Asian Review)

(Doanhnhan.vn) - Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cảnh báo rằng châu Á đang đối mặt với một “cú sốc thứ ba”, sau cuộc chiến tranh thương mại và đợt bùng phát đại dịch Covid-19 hiện nay.

Sự lây lan không ngừng của dịch Covid-19 có thể phá hủy sự tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tình trạng đói nghèo trong khu vực. Cú sốc này có thể làm tê liệt ngành tài chính và thị trường vốn - nguồn thanh khoản quan trọng để phục hồi các ngành công nghiệp và các lĩnh vực hoạt động khác bị tàn phá bởi tác động của Covid-19. Chính phủ các nước có thể sẽ phải thực hiện những “phản ứng bất thường”. 

Aaditya Mattoo - giám đốc kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới và là tác giả chính của báo cáo, chia sẻ với Nikkei rằng khủng hoảng virus corona hiện tại đang cùng lúc tấn công vào tất cả các quốc gia, không giống như những cú sốc cụ thể ở từng quốc gia trước đây như thiên tai hay khủng hoảng tài chính.

Trong đó, Đông Nam Á là khu vực dễ bị tổn thương vì vừa mới hồi phục sau căng thẳng thương mại toàn cầu và bây giờ đang phải đấu tranh để chống lại dịch bệnh này. “Cú sốc khác biệt nên cũng cần những phản ứng khác biệt: những hành động quyết liệt của mỗi quốc gia, sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn và tăng cường mức độ hỗ trợ từ bên ngoài.” - ông Matto nói.

Châu Á đang đối mặt với

Một người phụ nữ đeo khẩu trang bán hàng ở khu Chinatown của thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters 

Bên cạnh đó, báo cáo cũng dự báo sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng trong khu vực, trong cả tình thế cơ bản (baseline scenario) và những tình huống xấu hơn (lower case scenario).

Ở các nước đang phát triển, Ngân hàng Thế giới dự kiến tăng trưởng hằng năm trong năm nay sẽ chậm lại ở mức 2,1% (âm 0,5% trong tình huống xấu hơn) - giảm so với mức tăng 5,8% ước tính trong 2019.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, thương mại, kiều hối và hàng hóa, chẳng hạn như Thái Lan (chỉ riêng du lịch ở quốc gia này đã chiếm ít nhất 10% tổng sản phẩm quốc nội), tăng trưởng hàng năm có thể giảm tới 5% trong những tình huống xấu. Dự đoán này phù hợp với dự báo sửa đổi gần đây của Ngân hàng Thái Lan về mức giảm 5,3% hàng năm trong năm nay.

Đối với Trung Quốc, tăng trưởng hàng năm được dự báo sẽ giảm xuống 2,3% (0,1% trong tình huống xấu hơn), từ mức 6,1% trong năm 2019.

Mặc dù việc ngăn chặn đại dịch này có thể mở đường cho sự phục hồi bền vững trong khu vực, nhưng những rủi ro từ căng thẳng thị trường tài chính sẽ vẫn cao và củng cố cho kịch bản “cú sốc thứ 3”.

Bên cạnh đó, các quốc gia như Malaysia, Thailand, Đông Timor và một số quốc đảo ngoài Thái Bình Dương có thể sẽ có các mức giảm khác nhau đối với tăng trưởng hàng năm.

Nền kinh tế của các nước Indonesia, Papua New Guinea và Philippines được dự đoán sẽ suy giảm trong tình huống xấu hơn, nhưng có thể sẽ có một số tăng trưởng tích cực trong tình thế cơ bản, mặc dù ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Trong khi đó, Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Myanmar dự kiến tăng trưởng sẽ không có vấn đề gì, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn đáng kể so với năm ngoái.

Châu Á đang đối mặt với

 Sự sụt giảm nghiêm trọng trong mức tăng trưởng hằng năm của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: Ngân hàng Thế giới, nghiên cứu của Nikkei

Đối với nhiều quốc gia, cú sốc lớn nhất trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 có thể đến từ sự sụt giảm không thể tránh khỏi từ các nhu cầu bên ngoài: buộc chuyển sang xuất khẩu ít hơn, giảm doanh thu du lịch, hàng hóa và giảm kiều hối từ những người lao động nhập cư.

Những cú sốc tài chính có thể làm sâu sắc thêm các nỗi đau kinh tế, dù với nhiều tác động khác nhau - báo cáo cảnh báo.

Ví dụ: Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan dễ bị tổn thương vì các mức nợ trong nước tăng cao; Campuchia, Lào, Malaysia, Mông Cổ và Papua New Guinea có nợ nước ngoài đặc biệt nặng nề; trong khi cả Malaysia và Thái Lan đều có những khoản nợ ngắn hạn khác.

Một vài hành động mà các chính quyền trong khu vực nên xem xét để giải quyết “cú sốc thứ 3”, là những khoản đầu tư khẩn cấp vào chăm sóc sức khỏe quốc gia cùng với những sự chuẩn bị về lâu dài. Báo cáo cũng đề nghị nên có một cái nhìn tổng hợp về các chính sách kiểm soát và kinh tế vĩ mô.

“Các chính sách tài khóa mục tiêu, như các khoản trợ cấp nghỉ ốm và chăm sóc sức khỏe, có thể giúp cho việc kiểm soát tình hình và đảm bảo sự thiếu hụt tạm thời không chuyển thành những tổn thất dài hạn về nguồn nhân lực” - báo cáo ghi rõ.

Nó cũng cảnh báo rằng trong tình huống xấu, sự sụp đổ của các ngành công nghiệp như du lịch và sản xuất hàng may mặc, cũng như sự gián đoạn các ngành nghề không chính thức khác trong khu vực có thể khiến thêm 11 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Đặc biệt là những người làm du lịch ở Thái Lan và sản xuất hàng may mặc ở Campuchia. Ở các ngành nghề không chính thống khác, “sự vô hình hợp pháp” của người lao động có thể khiến chính phủ gặp khó khăn khi muốn giúp đỡ họ.

Về mặt tài chính, báo cáo kêu gọi việc nới lỏng tín dụng để hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình và giúp các công ty vượt qua cú sốc bất ngờ này. Nhưng nó cũng cảnh báo rằng chính sách kinh tế vĩ mô mở rộng “không thể làm gì nhiều để gia tăng sản xuất và việc làm trong giai đoạn người lao động bị buộc phải ở nhà.”

“Đối với các nước nghèo hơn, giảm nợ sẽ là điều cần thiết để có thể tập trung được những nguồn lực quan trọng cho việc quản lý các tác động mà đại dịch gây ra đối với kinh tế và sức khỏe” - ông Mattoo nói với Nikkei.

Về chính sách kinh tế vĩ mô, báo cáo chỉ ra sự cần thiết của việc chuyển tiền mặt khẩn cấp để đảm bảo chi tiêu hộ gia đình, cũng như tăng thanh khoản cho các công ty. Các biện pháp tài khóa cũng nên hỗ trợ các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bảo vệ xã hội để chống lại các cú sốc, đặc biệt là trong những lĩnh vực dễ bị thương nhất.

Nhìn xa hơn năm 2020, Ngân hàng Thế giới nói: “Việc ngăn chặn những cú sốc mới bất ngờ và căng thẳng lâu dài của thị trường tài chính, càng "chậm mà chắc" thì việc dự đoán những sự hồi phục càng nhanh chóng."

Nhưng câu hỏi chính xác là khi nào sự phục hồi bắt đầu, đặc biệt là khi đại dịch được ngăn chặn, không chỉ phụ thuộc vào từng quốc gia riêng lẻ mà còn ở các đối tác thương mại chính của họ, ông Mattoo nói.

Tin Cùng Chuyên Mục