Ngày pháp luật

CEO Dong A Solutions: Wefit là trường hợp "thua oan một cách tức tưởi"

Giang Phạm

(Doanhnhan.vn) - "Ý tưởng khởi nghiệp của WeFit sáng, bản thân ứng dụng cũng khá ổn. Éo le là khởi nghiệp không chỉ cần ý tưởng, và cũng không chỉ cần ứng dụng", ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions nhận định.

WeFit vốn một ý tưởng "sáng"

Nói về mô hình hoạt động của nền tảng này, ông Việt chỉ ra rằng WeFit nhắm đến việc giúp những người thường di chuyển có thể chủ động luyện tập bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ trung tâm nào tiện nhất cho mình chỉ với mức phí như đóng cho một trung tâm. Nghĩa là "WeFit bán cho bạn sự thuận tiện (convenience) và linh hoạt (flexibility) trong luyện tập". 

"Viễn cảnh này rất "sáng", bởi đối tượng nhắm đến của WeFit cũng là giới trung lưu trẻ trung năng động, giới văn phòng, những người có tiền, dễ lan truyền và thích ứng cao với công nghệ... Sản phẩm này cũng hợp xu hướng khi mà đa phần giới này khá quan tâm đến sức khoẻ và hình thể ở những mức độ khác nhau như sợ già hơn, yếu hơn, xấu hơn".

Về tài chính, cơ bản WeFit mua sỉ và bán lẻ nên sẽ có một khoản chênh lệch được kỳ vọng lớn hơn chi phí hoạt động để cho ra một lợi nhuận tương đối. Đây chính là nguyên lý hoạt động của kinh tế chia sẻ vốn đang "nở hoa". Về lâu dài, Wefit sẽ dần hình thành một hệ sinh thái, trong đó, đơn vị này sẽ đóng vai trò trung tâm, người mua sẽ dần chỉ biết đến ứng dụng mà không còn nhớ, không còn biết đến nhà cung cấp là các phòng tập nữa. 

... nhưng "đầu tư" chưa tới

Câu hỏi nhiều người đặt ra là, ý tưởng WeFit "sáng" là thế vậy, vậy vì sao vẫn sụp đổ?? 

Theo ông Trần Bằng Việt, Wefit sai lầm khi "cho phép khách hàng tập không giới hạn (Unlimited) trong khi bản thân mình lại phải trả theo lượt". Càng tập nhiều, khách hàng và phòng tập càng có lợi thêm, trong khi công ty này phải bù lỗ nhiều hơn.

CEO Dong A Solutions: Wefit là trường hợp

Ông cho rằng, việc cho phép Unlimited chỉ là một sự biến báo của Wefit trong một giai đoạn nhằm “hack” đủ lượng khách hàng thường xuyên. Thế nhưng cách làm này lại không hiệu quả khi chi phí bỏ ra quá cao, trong một thời gian quá dài, mà không đánh giá tác động/hiệu quả. "Nguy hiểm hơn là nó làm “hỏng” phân khúc khách hàng mục tiêu của Wefit", vị CEO này khẳng định. 

Điểm yếu trong xác định đối tượng phục vụ của WeFit thể hiện ở việc đã để khách hàng mục tiêu và không mục tiêu bị hòa lẫn. 

Ban đầu WeFit đặt ra khách hàng mục tiêu là giới trung lưu trẻ trung năng động, giới văn phòng, thế nhưng lẫn trong nhóm khách này có cả dân kinh doanh hay người thường xuyên đi công tác. Đây được cho là hai "điểm chết" của WeFit, khi những người thường đi công tác hay dân kinh doanh thường tập luyện tại phòng gym của khách sạn hoặc chọn bơi lội. 

Chính vì để lẫn khách hàng dưới chuẩn vào hệ sinh thái nên WeFit càng lâm vào vũng lầy khi có trường hợp một tài khoản đăng ký (và trả tiền) được chia sẻ cho 100 người cùng tập. Điều này làm cho chi phí phải trả cho các phòng tập tăng lên rất nhiều lần, trong khi doanh thu là vẫn như cũ (hoặc thấp hơn).

Ngoài ra, khả năng quản lý vận hành quá tệ, "quên" siết khách hàng kém chất lượng cũng như không kiểm soát được hệ thống phòng tập của mình hiện còn bao nhiêu chỗ, khách tập gì, trong bao lâu... cũng khiến Wefit khó có thể đi đường dài.

"Ý tưởng khởi nghiệp của WeFit sáng, bản thân ứng dụng cũng khá ổn. Éo le là khởi nghiệp không chỉ cần ý tưởng, và cũng không chỉ cần ứng dụng. Có lẽ là các bạn khởi nghiệp cũng biết điều ấy nhưng không xoay xở được vì những hạn chế của mình. Thương các bạn ấy, cái khó bó cái khôn nên thua oan tức tưởi”.

Tin Cùng Chuyên Mục