Như Doanhnhan.vn đã phản ánh việc các thuyền hút cát trái phép của "cát tặc" hoành hành trên sông La khiến người dân xã Đức Quang, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bức xúc. Điều đáng nói là có dấu hiệu của sự "tiếp tay" của một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sự việc có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật.
Cụ thể là “cát tặc” sau khi hút cát trộm trên Sông La đã hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của Công ty CP Tư vấn & Xây dựng Á Châu (gọi tắt là Công ty Á Châu, có địa chỉ đóng tại TP.Hà Tĩnh) - đơn vị được cấp phép khai thác mỏ tại khu vực sông La. Ngay sau khi bài viết được đăng tải chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả cũng như, các nhà chuyên môn. Để độc giả có góc nhìn pháp lý sâu hơn về sự việc trên Doanhnhan.vn xin được trích đăng ý kiến của Luật sư Phan Văn Chiều (Phó Trưởng Văn phòng luật sư An Phát - Đoàn luật sư tỉnh Hà Tĩnh).
Thứ nhất, liên quan đến phản ánh ánh hành vi khai thác cát của các tàu hút trộm cát của "cát tặc" trên sông La, đây là hành vi trái quy định pháp luật. Tuy nhiên ở đây cần làm rõ hành vi hút trộm cát của các tàu hút trộm cát bên ngoài này có liên quan đến Công ty Á Châu hay không (có bảo kê hay không)? Hay tự họ khai thác rồi đến mua Phiếu mua hàng, hóa đơn của Công ty Á Châu? Từ đó mới làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến hành vi này.
Nếu kiểm tra, xác minh có đủ cơ sở khẳng định các tàu hút trộm cát bên ngoài hút trộm cát ngoài phạm vi Mỏ được cấp phép của Công ty Á Châu mà không có giấy phép khai thác khoáng sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên tới 200 triệu đồng.
Ngoài ra đối với hành vi này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính và phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.
Bên cạnh đó, nếu hành vi khai thác trộm cát trên đây các cá nhân liên quan mà gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Cận cảnh việc mua bán hóa đơn cua nhân viên Công ty Á Châu và chủ tàu "cát tặc"
Thứ hai, một trong những sai phạm rất quan trọng liên quan đến phản ánh đó là Công ty Á Châu có hành vi bán Phiếu mua hàng, Hóa đơn và thu tiền trực tiếp từ các tàu hút trộm cát ngoài khu vực mỏ cát được cấp phép. Bên cạnh việc "tiếp tay" hợp thức hóa số cát được hút trộm trái pháp luật của các tàu hút trộm cát trên sông của "cát tặc" thì hành vi này còn có dấu hiệu của việc mua bán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Tùy giá trị, số lượng hóa đơn mua bán bất hợp pháp thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, nếu sau khi xác minh, kiểm tra mà thể hiện với số lượng hóa đơn được Công ty Á Châu bán cho các Chủ tàu hút trộm cát với số lượng lớn (từ 10 đến 30 số được coi là lớn - quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC) thì các cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 146a Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Nếu việc mua bán hóa đơn này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như trên thì hành vi của các cá nhân liên quan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Cảnh "cát tặc" hoành hành trên sông La
Thứ ba, đó là có hay việc Công ty Á Châu mở rộng phạm vi khai thác cát ngoài khu vực mỏ được cấp phép. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản 2010 quy định rất rõ quyền của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản là chỉ được tiến hành khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp.
Nếu đủ cơ sở khẳng định Công ty Á Châu có hành mở rộng phạm vi khai thác cát ngoài khu vực Mỏ được cấp phép thì hành vi này của Công ty Á Châu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền rất nặng. Cụ thể theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thì hành vi khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100% trở lên hoặc vượt từ 1 hecta trở lên thì bị xử phạt từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với khai thác cát, sỏi lòng song.
Ngoài ra hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoảng sản từ 12-24 tháng và phải khắc phục hậu quả bằng việc buộc san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Đối với việc khai thác cát, sỏi lòng song còn phải khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình khác do có liên quan do hành vi vi phạm gây ra. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính trên.
"Theo tôi đây là một vụ việc có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an sinh và gây búc xúc cho người dân trên địa bàn trong thời gian qua. Do vậy, trong trường hợp này các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xác minh, làm rõ có hay không những sai phạm trên đây của Công ty Á Châu và các cá nhân liên quan để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như đảm bảo an sinh, an toàn của người dân địa phương khi mùa mưa lũ đang diễn ra...", Luật sư Phan Văn Chiều nhấn mạnh.
Luật sư Phan Văn Chiều, Phó trưởng Văn phòng luật sư An Phát - Đoàn luật sư tỉnh Hà Tĩnh