Ngày pháp luật

Cảnh báo tình trạng mua bán người khi tìm việc làm trên mạng xã hội

Bùi Lan

Từ tháng 7/2022 đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ 4 vụ, 7 đối tượng mua bán người với tổng số 5 nạn nhân.

Theo đánh giá của công an tỉnh Lạng Sơn, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Các đối tượng thường tổ chức thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước đưa ra nước ngoài, với nhiều mục đích khác nhau như: bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, cho nhận con nuôi trái pháp luật…

Đặc biệt, tại khu vực biên giới giáp ranh với 2 huyện Long Châu, Ninh Minh và thị trấn Bằng Tường thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, tập trung rất nhiều dịch vụ nhạy cảm như nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage, gội đầu thư giãn... Khu vực này được xác định là địa bàn hoạt động trung chuyển của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã liên tục phát hiện các đường dây mua bán người, trong đó hầu hết các đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa gạt tìm kiếm việc làm với mức lương cao thông qua mạng xã hội.

Thượng tá Nông Văn Tư, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn đánh giá: “Điểm chung của các vụ án là các đối tượng dùng thủ đoạn hứa hẹn tìm kiếm việc làm có mức lương cao để dụ dỗ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhẹ dạ cả tin, sau đó lợi dụng lừa bán làm nhân viên quán karaoke hoặc các công việc không lành mạnh”.

Điển hình như vụ án xảy ra vào tháng 8/2022, nạn nhân là N.Y.N, sinh năm 2007. Thông qua mạng xã hội facebook, N đã được Nông Đức Mạnh (sinh năm 2005, trú tại xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng) giới thiệu việc làm với mức lương cao.

Đến tháng 9/2022, N xuống khu vực xã Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để gặp Mạnh. Tại đây, Mạnh đã bán N cho một người tên Thành ở Hà Nội (không rõ thông tin, địa chỉ cụ thể) với giá 8 triệu đồng và đưa N xuống thành phố Hà Nội để làm nhân viên phục vụ quán karaoke. Sau khi bị lừa bán, N thường xuyên bị đe doạ, ép làm việc và bị khống chế, mất liên lạc với gia đình.

Lo lắng chuyện chẳng lành xảy ra với con mình, gia đình N đã trình báo với Công an thành phố Lạng Sơn. Tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã tổ chức xác minh, điều tra, đến cuối tháng 9/2022, đối tượng Nông Đức Mạnh đã bị khởi tố và bắt giữ về hành vi mua bán người.

Cũng thông qua mạng xã hội, ngày 13/12/2022, nạn nhân H.T.T.T sinh năm 2007, trú tại huyện Hữu Lũng đã bị Hoàng Văn Khải (sinh năm 1998, trú tại thôn Hố Vắt, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng) hứa hẹn tìm việc làm với mức lương cao, sau đó bán T cho quán một quán karaoke tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để làm nhân viên phục vụ với giá 22 triệu đồng.

Một đối tượng phạm tội mua bán người bị lực lượng biên phòng Lạng Sơn bắt giữ
Một đối tượng phạm tội mua bán người bị lực lượng biên phòng Lạng Sơn bắt giữ

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc đã xảy ra liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội để tìm việc làm. Đáng chú ý, hầu hết các nạn nhân là những đối tượng còn trẻ, nhẹ dạ cả tin, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần kiếm tiền để trang trải cuộc sống.

Không chỉ riêng tại Lạng Sơn mà nhiều tỉnh thành khác cũng xảy ra những trường hợp tương tự. Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân để dụ dỗ thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo. Thủ đoạn này khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn bởi các đối tượng thường hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, các giao dịch cũng chỉ thực hiện trên internet.

Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Đây cũng là trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Tại nước ta, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và trải rộng trên nhiều phương diện nhằm buộc loại tội phạm này phải “sa lưới”.

Bên cạnh sự vào cuộc lực lượng chức năng, người cần cũng nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân không bị mua, bán. Cần đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao.... Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với bọn tội phạm, kịp thời thông báo cho các cơ quan Công an, cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi, đối tượng nghi vấn phạm tội mua, bán người.

Tin Cùng Chuyên Mục