Ngày pháp luật

Cần phản ứng nhạy bén, kịp thời về chính sách, pháp luật

Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Thành tựu của khoa học, công nghệ đang tác động sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý mới, phức tạp, đòi hỏi phải có những phản ứng nhạy bén, kịp thời về chính sách, pháp luật.

Nhiều quy định chồng chéo, bất cập chậm được khắc phục

Ngày 12/5/2023, tại Lâm Đồng, Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) phục vụ triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản trong cả nước kỳ 2019 – 2023 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện các cơ quan tư pháp, pháp chế của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 30 tỉnh, thành từ Quảng Ngãi trở vào phía nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan nhấn mạnh, đây là một trong những hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai có hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ thứ ba thống nhất trong cả nước, góp phần cụ thể hoá nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với “hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận”.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan nhấn mạnh đến vai trò của công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan nhấn mạnh đến vai trò của công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản.

Theo đồng chí, hiện nay, với đột phá chiến lược của Đảng ta là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Thành tựu của khoa học, công nghệ đang tác động sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý mới, phức tạp, đòi hỏi phải có những phản ứng nhạy bén, kịp thời về chính sách, pháp luật.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật do nhiều cơ quan, chủ thể khác nhau ban hành; còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập mặc dù đã được phát hiện nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự rõ ràng, minh bạch về tình trạng hiệu lực, tính khả thi. Cùng với đó là tính dự báo của văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật...

Từ thực tế nêu trên, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các cơ quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng công tác rà soát văn bản; tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ định kỳ hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật.

Tập trung nguồn lực cho công tác hệ thống hóa văn bản

Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, vai trò của công tác hệ thống hóa văn bản giữ vai trò vô cùng quan trọng. Việc hệ thống hoá không làm thay đổi tình trạng hiệu lực, nội dung của văn bản nhưng lại giúp hệ thống văn bản QPPL được sắp xếp một cách khoa học, toàn diện, tổng thể, qua đó việc áp dụng và thực hiện pháp luật được thuận lợi; đồng thời hỗ trợ cho việc nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách mang tính tổng thể trong các ngành, lĩnh vực, liên ngành hoặc ở phạm vi quốc gia, địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã thực hiện 2 kỳ hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước và công bố chính xác các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong cả nước, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Kế thừa những kết quả đã đạt được, năm 2023, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương sẽ thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ thứ ba thống nhất trong cả nước (2019 - 2023) với thời điểm ấn định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa để công bố là ngày 31/12/2023.

Với trách nhiệm là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, ngay từ trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã có các công văn lưu ý, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ này, đồng thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023.

Để triển khai hiệu quả, chất lượng kỳ hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023, theo lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản QPPL, trước tiên cần quán triệt, thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đối với đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng của hoạt động hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ thứ 3 thống nhất trong cả nước.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư nguồn lực thoả đáng cho công tác hệ thống hóa văn bản, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này; tăng cường hiệu quả phối hợp của giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, phát huy vai trò đầu mối, tổ chức, theo dõi, đôn đốc thực hiện của cơ quan tư pháp địa phương.

Nhiệm vụ trọng tâm nữa là tăng cường truyền thông, phổ biến về kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023 thống nhất trong cả nước; thực hiện nghiêm túc việc đăng tải, cập nhật kịp thời kết quả hệ thống hóa văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan hệ thống hóa văn bản, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thi hành pháp luật cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tại Hội nghị, Cục Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan đã cung cấp những kiến thức cơ bản liên quan đến hệ thống hóa văn bản QPPL như: Cơ sở pháp lý, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chính phủ, Bộ Tư pháp…; giới thiệu điểm mới của Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 (Điều 170), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL.

Đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL hướng dẫn những kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản.
Đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL hướng dẫn những kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản.

Lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản QPPL, đại diện các phòng nghiệp vụ của Cục cũng đã hướng dẫn những kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện rà soát, hệ thống hoá văn bản.

Các đại biểu dự hội nghị cũng đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những vướng mắc liên quan tới công tác hệ thống hóa văn bản QPPL để cùng tháo gỡ, từ đó thực hiệu tốt việc rà soát, hệ thống hoá văn bản.

Tin Cùng Chuyên Mục