Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây công bố số liệu tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng trong hai tháng đầu năm 2020. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán (chưa bao gồm các loại khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) đạt 10,672 triệu tỷ đồng, tăng 0,94% so với cuối năm 2019.
Đáng chú ý, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm mạnh tới 4,48% (tương đương gần 192.000 tỷ đồng) xuống còn 3,77 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của dân cư lại tăng 3,91% lên mức 5,018 triệu tỷ đồng.
Việc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế rút tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng trong 1-2 tháng đầu năm là chuyện không hiếm thấy do trùng vào dịp lễ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp sẽ rút tiền ra để trả lương, thưởng cuối năm cho nhân viên. Điều này đồng nghĩa với việc, khi có thêm khoản tiền, nhiều nhân viên sẽ trích ra một số tiền nhất định để tới gửi lại vào ngân hàng theo dạng tiết kiệm hoặc tài khoản thanh toán.
Về dư nợ tín dụng với nền kinh tế, thống kê của NHNN cho thấy đến cuối tháng 2, tổng dư nợ đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 0,17% so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng lại không đồng nhất giữa các ngành.
Bảng thống kê dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)
Cụ thể, ngành vận tải và viễn thông cùng ngành công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng trưởng dương, với 3,38% cho nhóm vận tải viễn thông, trong khi xây dựng tăng 1,2% và công nghiệp tăng 0,82%. Các hoạt động dịch vụ khác cũng thuộc nhóm tăng trưởng nhưng rất nhẹ, chỉ 0,04%.
Ở chiều ngược lại, các ngành như nông - lâm nghiệp - thủy sản, ngành hoạt động thương mại có mức tăng trưởng âm, tương ứng giảm lần lượt là 0,09% và 0,04%.