Bước chuyển biến mới trong nhân sự, PGBank báo lãi quý III giảm 60%

Quỳnh Chi

Những nhân sự có liên quan tới một tập đoàn đa ngành sắp xuất hiện tại PGBank, trong bối cảnh nhà băng này ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sâu, còn nợ xấu thì tiến gần ngưỡng 3%.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã PGB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III, với lãi trước thuế chỉ gần 57 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Ba tháng gần nhất, tất cả mảng kinh doanh của PGBank đều đi lùi so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần đạt gần 279 tỷ đồng, giảm 16%. Các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm mạnh như lãi từ dịch vụ (-42%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (-61%), lãi từ hoạt động khác (-76%).

Dù giảm chi phí dự phòng giảm 26%, chỉ còn trích lập hơn 57 tỷ đồng, ngân hàng nãy chỉ ghi nhận mức lãi trước thuế gần 57 tỷ đồng, giảm 60% so với quý III/2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của PGBank - tăng 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 959 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng ghi nhận 360 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của PGBank giảm nhẹ so với đầu năm, còn 47.832 tỷ đồng. Về phía nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm 21% (còn 7.245 tỷ đồng), tiền gửi của khách hàng tăng 9% (34.098 tỷ đồng).

Chất lượng nợ vay của PG Bank cũng kém tích cực khi tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý III tăng lên gần 800 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%.

“Hôn nhân” với TC Group

PGBank không thuộc nhóm ngân hàng yếu, nợ xấu cũng dưới 3%, hạn chế lớn nhất chỉ là sở hữu vượt trần của Petrolimex (40% so với quy định là 15%). Tuy nhiên, từ năm 2014, các nhà băng và một số doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu cơ hội đầu tư vào PGBank nhưng không có thương vụ nào được thực hiện. Lần lượt những ông lớn ngành ngân hàng, như VietinBank, MBB, HDBank hay cả MSB đều “lỡ duyên”.

Phải tới năm nay, danh tính bên tham gia vào PGBank thay thế Petrolimex mới lộ diện, là Tập đoàn Thành Công (TC Group) – một trong những nhà sản xuất ôtô hàng đầu thị trường.

Ông Đào Phong Trúc Đại sinh năm 1975, từng là Giám đốc tài chính CTCP Kỹ thuật Dịch vụ Thành Công, Tổng giám đốc CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển KCN Việt Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Ô tô Việt Nam,Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess.

Ông Đại trước đó cũng từng được bầu làm thành viên HĐQT Eximbank vào tháng 2/2022, dưới sự đề cử của nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn Thành Công (TC Group).

Ngoài ông Đại, danh sách bầu nhân sự còn 4 thành viên khác, là ông Phạm Mạnh Thắng, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Vương Phúc Chính và ông Nguyễn Thành Lâm (thành viên HĐQT độc lập).

Các cổ đông ngân hàng dự kiến thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Phi Hùng, ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Nguyễn Mạnh Hải, ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nilesh Banglorewala. Hiện chỉ có ông Nguyễn Mạnh Hải đang là thành viên HĐQT PGBank.

Bộ mặt mới khi về với TC Group

Ngoài nhân sự, việc xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ, đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính là những nội dung khác sẽ được trình trong phiên họp bất thường sắp tới.

Ngân hàng dự kiế tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng thông qua hai phương án. Trong đó, PGBank dự kiến phát hành tối đa 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 10:4.

Phương án còn lại là chào bán 80 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 15:4, mức giá sẽ được HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn mệnh giá.

Theo tờ trình, ngân hàng cũng cho biết sẽ hoàn thiện dự thảo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng giai đoạn 2021 – 2025.

PGBank cũng dự kiến đổi tên, logo và thay đổi địa điểm trụ sở chính. Ngân hàng cho biết tên thương mại và logo của PGBank đang sử dụng được gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoạn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên, Petrolimex đã thoái vốn và không còn là cổ đông lớn của PGBank. Đồng thời, Petrolimex đã yêu cầu ngân hàng chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.

Trụ sở chính của ngân hàng cũng dự kiến dời sang tòa nhà HEAC số 14 - 16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội – tòa nhà do TC Group làm chủ đầu tư.

Trụ sở hiện nay của PGBank chỉ có diện tích sử dụng khoảng 3.600 m2, được đưa vào sử dụng từ năm 2021 khi tổng nhân sự khoảng 200 người. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất tại đây đã bắt đầu xuống cấp và trong thời gian tới sẽ không đáp ứng được nhu cầu về chỗ ngồi cho cán bộ nhân viên khi ngân hàng mở rộng quy mô tăng trưởng kinh doanh.

 

Tin Cùng Chuyên Mục