Áp lực lạm phát gia tăng trong khi các ngân hàng trung ương chưa vội đưa ra chính sách tăng lãi suất đã giúp cải thiện tâm lý trên thị trường vàng, đẩy giá kim loại quý vọt mạnh hơn 20 USD so với phiên liền trước, bỏ xa ngưỡng 1.800 USD. Dừng ở 1.815 USD/ounce, đây cũng là lần đầu tiên giá vàng kết thúc tuần trên 1.800 USD kể từ cuối tháng 9.
Mặc dù phần lớn nhà phân tích đều lạc quan về giá vàng và nhận định kim loại quý này sẽ chinh phục mức giá cao hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên cũng có không ít chuyên gia lo ngại, thị trường đang phải đối mặt với mức kháng cự đáng kể.
Theo đó, để vàng có được sự hấp dẫn và thu hút động lực mới, mốc giá tiếp theo mà kim loại quý cần phải chinh phục là 1.835 USD/ounce.
Tuần này, trong 18 nhà phân tích Phố Wall tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News có tới 10 nhà phân tích (chiếm 56%) dự báo giá vàng tăng vào tuần tới. Trong khi đó, chỉ có hai nhà phân tích (tương ứng 11%) nhận định giá vàng sẽ giảm và 6 chuyên gia còn lại giữ ý kiến trung lập về giá vàng.
Cùng lúc đó, với tổng cộng 622 phiếu bầu được bỏ trong cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main, có tới 326 người (tương ứng 52%) lạc quan giá vàng sẽ đi lên vào tuần tới; 188 người khác (chiếm 30%) dự báo giá sẽ thấp hơn, trong khi 108 người còn lại tin rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Sự phục hồi của vàng diễn ra cùng ngày chính phủ Mỹ công bố báo cáo về số lượng việc làm nhiều hơn dự kiến trong tháng 10. Theo Bộ Lao động Mỹ, tháng vừa qua, số việc làm tạo ra được là 531.000, cao hơn nhiều so với dự báo chỉ có 450.000 đơn vị; đồng thời tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 4,6%, giảm 0,2% so với tháng 9 là 4,8%.
Dù vậy, một số nhà phân tích nhận định, bất chấp số việc làm tăng mạnh, các nhà đầu tư vàng cần tập trung vào lạm phát tiền lương tăng cao. Báo cáo cho biết, lạm phát tiền lương đã tăng 4,9% trong 12 tháng qua.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho rằng, yếu tố lạm phát đã xuất hiện trên thị trường vàng và đây có thể là sự khởi đầu cho chuỗi tăng mới. Mặc dù Hansen dự báo giá vàng sẽ tăng trong thời gian tới, thì chuyên gia này vẫn cho rằng - ngưỡng 1.835 USD vẫn là mức quan trọng mà vàng cần phải phá vỡ.
Cùng chung quan điểm, chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures cho biết, ông cũng đang theo dõi ngưỡng 1.835 USD/ounce và giữ ý kiến trung lập với giá vàng cho đến khi mức giá đó bị phá vỡ.
Không chỉ áp lực lạm phát gia tăng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương tiếp tục hạ thấp mối đe dọa ngày càng tăng. Tuần này, quyết định chính sách được cho là có tính định hướng giá vàng trong ngắn hạn cho thấy, Fed đang giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng và Chủ tịch Jerome Powell khẳng định, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để tăng lãi suất.
Fed dường như vẫn giữ quan điểm, lạm phát cao chỉ là tạm thời và có khả năng không cần tăng lãi suất nhanh. Vàng thường hưởng lợi khi lãi suất thấp vì nó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều lạc quan về kim loại quý. Darin Newsom, chủ tịch của Darin Newsom Analysis nhận định, giá vàng cần phải đẩy lên trên 1.815 USD/ounce để phá vỡ mô hình đi ngang hiện tại. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, đồng USD đang thu hút một số sự chú ý tăng giá khi chỉ số USD giao dịch tại một điểm kháng cự quan trọng là 93,5 điểm.
"Nếu điều này được giữ vững và đồng USD phục hồi, vàng có thể sớm tăng mạnh trong tuần tới”, ông chia sẻ.
Trong khi đó, Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex chia sẻ, ông không tin vàng đã sẵn sàng để bứt phá. Dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng của tuần tới có thể khiến lãi suất cao hơn cùng với đồng USD, điều này sẽ tác động đến giá vàng.
Đồng quan điểm, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital, David Madden chia sẻ, ông cũng đang theo dõi đồng USD. Tuy nhiên, đồng bạc xanh có thể hình thành đỉnh trong ngắn hạn sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed. Bởi vậy, cần có nhiều dữ liệu kinh tế tích cực hơn để tạo ra động lực mới cho đồng USD.