“Chúng ta ủng hộ việc điều chỉnh giá điện, nhưng việc điều chỉnh phải hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả ba bên. Hơn lúc nào hết, phải trả lời cho người dân xem vừa qua có tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện để tính khống lên không? Có tình trạng đơn phương làm tăng giá điện không? Vấn đề này cần phải được minh bạch hóa để trả lời cho công luận”, TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm với Tiền Phong.
Minh bạch chi phí
Câu chuyện về ngành điện cũng như việc tăng giá điện vừa qua đã và đang nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề của ngành điện không mới, nhưng khi giá điện tăng hơn 8% đã phát sinh nhiều yêu cầu cần làm rõ, ông nghĩ sao?
Thực trạng kinh doanh điện vừa qua đặt ra nhiều vấn đề phải lưu tâm. Để đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng 7 - 8%, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng của điện phải trên 10%. Nhưng với sơ đồ điện VII như bây giờ, nếu không tích cực cải tiến thì không thể đáp ứng được nhu cầu của dân cũng như phát triển kinh tế. Xây dựng nền kinh tế thị trường, giá cả phải theo thị trường. Do đó, chúng ta buộc phải xem xét điều chỉnh giá điện.
Thế nhưng vừa qua dư luận phản ánh giá điện không phải tăng thêm 8,36% như quyết định đưa ra. Thực tế các hộ gia đình, nhất là gia đình ở các thành phố lớn sử dụng nhiều điện như Hà Nội, TPHCM, mức tăng phổ biến gấp rưỡi, cá biệt có những trường hợp tăng gấp đôi. Do vậy, quan trọng bây giờ là phải làm minh bạch được vấn đề này.
Giải thích cho việc này, ngành điện cũng như một số cơ quan chức năng đã viện dẫn lý do, như: Tháng 4 nắng nóng, nhiều ngày hơn tháng 3 và việc điều chỉnh tăng giá điện hơn 8% vừa qua. Giải trình đó cũng là một trong những căn cứ để xem xét. Thế nhưng, hơn lúc nào hết phải trả lời cho người dân xem việc quản lý giá điện vừa qua có xảy ra việc lợi dụng tăng giá điện để tính khống lên không? '
Với cơ chế hiện nay, ngành điện bán điện, nhưng đồng hồ điện cũng do ngành điện cung cấp; tính chỉ số và tính giá cuối cùng cũng do ngành điện làm. Vậy có tình trạng ngành này đơn phương làm tăng giá điện không? Vấn đề này cần được minh bạch hóa để trả lời cho công luận. Chúng ta ủng hộ việc điều chỉnh giá điện, nhưng việc điều chỉnh phải hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả ba bên. Việc hài hòa các lợi ích mới là mục tiêu, động lực để duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Một trong những vấn đề lớn được dư luận quan tâm là cách chia khung giá điện theo bậc thang. Theo ông, quy định như hiện nay đã thực sự hợp lý?
Việc xác định giá điện theo bậc thang lũy tiến từng phần là nguyên tắc chung, phổ biến ở một số nước. Điều này nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế kết hợp với giải quyết vấn đề xã hội. Dù nền kinh tế đã phát triển trong hơn 20 năm qua, nhưng vẫn có sự chênh lệch về thu nhập, cuộc sống của nhiều hộ gia đình còn rất khó khăn. Chính vì thế cần thiết phải xác định giá điện bậc thang, lũy tiến từng phần, có mức giá điện thấp với những hộ nghèo sử dụng ít điện.
Vấn đề đặt ra là, giá điện chia thành nhiều bậc thang như vậy có quá nhiều không, có cần phải giảm không? Rồi độ giãn cách của từng bậc nên như thế nào cho hợp lý? Vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc chia nhỏ thành nhiều bậc sẽ xử lý được vấn đề xã hội, nhưng lại gây khó khăn trong quản lý và cũng phức tạp hóa trong quá trình tính toán.
Khi ngành điện và bộ Công Thương muốn đưa thông tin phương án điều chỉnh giá xăng dầu, điện chưa công bố vào diện “Mật”, thì người dân lại muốn được công khai minh bạch để theo dõi, giám sát? Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Theo quy định của pháp luật, có một số lĩnh vực trong hoạt động của doanh nghiệp buộc phải minh bạch, nhưng cũng có những vấn đề thuộc về bí mật của doanh nghiệp. Việt Nam cũng đang chuyển đổi mô hình quản lý theo thông lệ quốc tế. Song điều tôi quan tâm là khi pháp luật quy định minh bạch, thì ngành điện hay bất cứ ngành sản xuất kinh doanh nào khác cũng đều phải tuân theo pháp luật. Nhưng vấn đề ở đây là ngành điện vẫn do nhà nước nắm và ở góc độ nào đó, ngành điện trên thị trường đang giữ thế độc quyền.
Chính vì vậy vai trò của Nhà nước trong xác định giá điện là hết sức quan trọng. Trong điều kiện cạnh tranh chưa hoàn hảo như vậy, nhà nước cần phải minh bạch, cụ thể hóa những chi phí của ngành điện.
Cần tổ chức phiên giải trình
Thế nhưng chi phí này lại đổ lên đầu người sử dụng điện. Không nên để lỗi do quản lý lại chuyển thành hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Các chính sách tiền lương như thế nào cũng phải xem xét cho hợp lý. Nếu tăng chi phí lao động trong ngành này quá cao so với ngành khác, để cấu thành giá điện cao lên, người tiêu dùng phải chi trả thì điều đó có nên không?
Tiền lương phải được tính trong mặt bằng chung của đất nước, để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng; tránh lợi dụng cơ chế, địa vị độc quyền trong chừng mực nhất định để tái phân phối có lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong một lĩnh vực nào đó. Nhà nước phải là trọng tài, là trung gian để làm rõ hơn chi phí của ngành điện.
Theo ông, giá điện tăng sẽ tác động đến thị trường, lạm phát ra sao?
Tăng giá điện đụng đến toàn bộ người dân, nhưng điều tôi lo ngại hiện nay là giá điện ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, các tổ chức sản xuất kinh doanh. Qua theo dõi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng vừa qua tăng do giá xăng, giá điện cùng nhiều yếu tố đầu vào khác. Trong điều kiện sản xuất kinh doanh hiện nay, nếu giá đầu vào tăng, thị trường điều chỉnh không thích ứng kịp thì sẽ trở thành sự cản trở, kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Do vậy việc điều chỉnh giá phải theo quy luật thị trường, không lấy lãi ngành này bù lỗ cho ngành khác. Nhưng tăng phải có lộ trình và đặt trong sự duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để duy trì sự phát triển bền vững. Đó là mục tiêu tổng quát trong lãnh đạo, chỉ đạo, vận hành nền kinh tế của chúng ta.
Theo ông, các ủy ban của Quốc hội có nên tổ chức phiên giải trình về giá điện?
Giá điện đang là vấn đề nóng bỏng. Những đòi hỏi, yêu cầu của người dân là chính đáng. Do vậy, Quốc hội, các ủy ban và đại biểu dân cử cần có tiếng nói về vấn đề này. Qua đó, có thể tổ chức phiên giải trình, làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm; cũng có thể tiến hành chất vấn, giám sát, yêu cầu báo cáo... Các cơ quan dân cử nên vào cuộc làm rõ, để tăng sự minh bạch cũng như sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội.
Nhưng dù có giải trình hay không, tôi tin phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp Quốc hội tới chắc chắn các đại biểu sẽ phải đề cập đến giá điện. Bởi qua tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh rất nhiều và thực tế cũng có nhiều vấn đề bức xúc nổi lên. Đặc biệt, nội dung thảo luận liên quan ngành điện phải được đưa vào nghị quyết về kinh tế xã hội của Quốc hội, lúc đó giá trị pháp lý còn cao hơn.
Cảm ơn ông !
“Chính phủ phải yêu cầu các bộ, ngành tổng kết, đánh giá lại cơ chế xác định giá điện, đánh giá lại những điểm hợp lý, bất hợp lý để hoàn thiện chính sách, đưa ra khung bậc và giá điện từng phần cho phù hợp tình hình thực tiễn”, TS Bùi Đức Thụ.