Nổi bật trong số đó vẫn là tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam – Vingroup.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1, giá cổ phiếu VIC đạt 103.900 đồng/cổ phiếu. Mức giá này tăng 9% so với đầu tháng, nhờ vậy tài sản của ông Phạm Nhật Vượng cũng tăng với mức tăng tương ứng.
Cụ thể, tổng giá trị cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ đến thời điểm này đạt 194 nghìn tỷ đồng, tăng 16 nghìn tỷ đồng chỉ sau tháng đầu tiên của năm 2019.
Đứng thứ hai trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán vẫn là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – TGĐ Vietjet Air, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank.
Kết thúc tháng 1, cả HDB và VJC đều tăng giá so với thời điểm đầu năm, qua đó, tổng giá trị cổ phiếu HDB và VJC do bà Thảo nắm giữ đã tăng thêm 597 tỷ đồng, đạt 21.907 tỷ đồng.
Tiếp đến là ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank, Phó Chủ tịch HĐQT Masan Group. Kết thúc tháng 1, cổ phiếu TCB và MSN cùng tăng nhẹ, khiến giá trị cổ phiếu do ông Hùng Anh nắm giữ cũng "tăng nhẹ" lên 75 tỷ đồng, đạt 20.257 tỷ đồng.
Đứng thứ tư trong danh sách này là ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan Group, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank. Tổng kết tháng đầu tiên của năm 2019, giá trị cổ phiếu TCB và MSN do ông Quang nắm giữ là 19.844 tỷ đồng, tăng 56 tỷ đồng so với đầu năm.
Top 5 trong danh sách tỷ phú chứng khoán Việt còn có bà Phạm Thu Hương – Vợ ông Phạm Nhật Vượng. Với hơn 151 triệu cổ phiếu VIC, tài sản của bà Hương đã tăng thêm 1.300 tỷ đồng với tổng giá trị hiện tại đạt 15.695 tỷ đồng.
Ở vị trí thứ 7 và thứ 8, hai tỷ phú Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC) và Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch Novaland) cũng đều có tháng đầu năm không mấy suôn sẻ khi tài sản cùng giảm so với đầu năm.Người đầu tiên trong top 10 ghi nhận sự sụt giảm về tài sản trong thán 1 vừa qua là ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Cổ phiếu HPG cũng không thể tránh khỏi cơn bão giảm giá đối với cổ phiếu ngành thép thời gian gần đây. Kết thúc tháng 1, HPG đóng cửa tại mức giá 27.700 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, ông Trần Đình Long đã mất đi 1.700 tỷ đồng (10,5%) chỉ trong vòng 1 tháng. Hiện giá trị cổ phiếu của ông Long là 14.797 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Mặc dù FLC chính thức đưa vào khai thác thương mại đối với hãng hàng không Bamboo Airways, nhưng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết vẫn giảm tới 2.770 tỷ đồng trong tháng 1 do sự lao dốc của cổ phiếu ROS. Tính đến nay, tổng giá trị cổ phiếu FLC và ROS do ông Quyết nắm giữ là 12.795 tỷ đồng.
Trong khi đó, với việc cổ phiếu NVL của Novaland giảm 12% trong tháng 1, tài sản của Chủ tịch Novaland là ông Bùi Thành Nhơn đã "bốc hơi" 1.450 đồng, còn 10.804 tỷ đồng.
Novaland trong những ngày qua cũng trở thành tâm điểm dư luận khi TAND TP.Hà Nội xét xử công khai vụ án liên quan đến sai phạm của Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và các cựu lãnh đạo ngành Công an. Theo đó, CTCP Nova Bắc Nam 79 (do Novaland góp 50% vốn, Vũ "nhôm" làm Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Cao Nhật Quân – con trai ông Nhơn – làm TGĐ và là người đại diện theo pháp luật) là một trong hai công ty được Vũ "nhôm" sử dụng để thực hiện việc thâu tóm loạt dự án đất công sản tại TP.HCM và Đà Nẵng, gây thất thoát của nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.
Tiếp theo trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, bà Phạm Thúy Hằng (em vợ ông Phạm Nhật Vượng) hiện đang là người đứng thứ 8 với giá trị cổ phiếu VIC do bà Hằng nắm giữ là 10.481 tỷ đồng, tăng 867 tỷ đồng trong tháng 1.
Cuối cùng, ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vicostone sau tháng đầu tiên của năm 2019 đã mất đi 800 tỷ đồng từ việc cổ phiếu VCS giảm giá 10%. Hiện giá trị cổ phiếu VCS do ông Năng nắm giữ là 7.347 tỷ đồng.