Ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã đăng ký thoái toàn bộ số cổ phần sở hữu tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank). Không dừng ở đó, những thành viên trong gia đình ông cũng liên tục thoái vốn khỏi nhà băng từ cuối tháng 7 với quy mô lên tới hàng chục triệu cổ phần.
Ngoài VietBank, một ngân hàng khác còn cổ phần của gia đình Bầu Kiên là Á Châu (ACB). Không có thông tin thoái vốn như VietBank, nhưng đường trở về ACB của ông trùm ngân hàng một thời đang trở nên khó khăn hơn khi phiên họp thường niên mới đây đã không thông qua nhân sự có liên quan đến ông và gia đình vào Hội đồng quản trị. Ông Nguyễn Duy Hưng, người có liên quan tới gia đình Bầu Kiên và cũng từng là Phó chủ tịch VietBank đã không được chấp thuận trong danh sách nhân sự cho Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Mặc dù vậy, gia đình Bầu Kiên vẫn là cổ đông lớn tại ACB. Theo đơn đề cử nhân sự tại phiên họp thường niên giữa tháng 5, nhóm cổ đông có liên quan đến Bầu Kiên hiện sở hữu 10,45% vốn ACB, tương đương khoảng 117,6 triệu cổ phần. Xét theo thị giá cổ phiếu ACB tại phiên gần nhất, số cổ phần này trị giá khoảng 4.700 tỷ đồng.
Dù vậy, ngoài vai trò là cổ đông lớn, nhóm cổ đông có liên quan tới Bầu Kiên không còn giữ vị trí nào trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành hay Ban kiểm soát ngân hàng. Bà Đặng Ngọc Lan (vợ Bầu Kiên) là người duy nhất hiện diện ở ACB với vị trí Phó Ban kiểm tra kiểm soát nội bộ và Chủ tịch công đoàn.
Tại VietBank, Bầu Kiên chỉ trực tiếp sở hữu một phần nhỏ trong tổng số cổ phần của nhóm cổ đông có liên quan. Trước khi giao dịch, tổng sở hữu của nhóm cổ đông có liên quan đến Bầu Kiên là gần 19%, trong đó riêng ông nắm gần 2,1%.
Tuy nhiên, sau nhiều giao dịch thoái vốn liên tục từ cuối tháng 7, tỷ lệ sở hữu của nhóm này đã giảm gần một nửa. Tại VietBank, bà Lan cũng là đại diện duy nhất của nhóm cổ đông với chức danh hiện tại là thành viên Hội đồng quản trị.
Bầu Kiên, trước vòng lao lý, từng được đánh giá là một trong những "ông trùm" ngành ngân hàng. Năm 1994, ông dấn thân vào ngành với bước ngoặt đầu tiên là làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB - ngân hàng vừa được thành lập một năm trước đó với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Đến năm 2008, Bầu Kiên rút khỏi vai trò quản trị để làm Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập - hội đồng mà đến năm 2010 bị giải tán vì không được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Rời khỏi ACB, nhưng những năm sau đó, bóng dáng Bầu Kiên xuất hiện thấp thoáng phía sau nhiều ngân hàng khác như Kiên Long, Đại Á, VietBank, EximBank hay Sacombank... Bản thân ông khi còn nổi danh với vai trò ông bầu bóng đá, cũng xác nhận có cổ phần ở Kiên Long và là cổ đông chính ở Eximbank.
Không chỉ trong hoạt động, những thương vụ thâu tóm giai đoạn đó cũng có ít nhiều sự xuất hiện của ông trùm này. Thương vụ Sacombank bị thâu tóm từng là tâm điểm của thị trường và bầu Kiên cũng là một trong những cái tên được nhắc đến đầu tiên.
Tuy nhiên, sau khi vướng vòng lao lý, vai trò của Bầu Kiên trong giới ngân hàng bắt đầu trở nên mờ nhạt. Những nhà băng từng có liên quan không còn nhắc đến Bầu Kiên trong bất kỳ văn bản nào. Sở hữu của Bầu Kiên, nếu được công bố, chỉ còn thấy được tại ACB và VietBank.
Với những cổ đông của ACB, cái tên chỉ còn được nhắc đến liên quan đến những khoản nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng cần xử lý. Từ "ông trùm" thét ra lửa trong ngành ngân hàng, Bầu Kiên đang dần bị đẩy ra xa khỏi chính lĩnh vực đã mang lại tên tuổi trước kia.