Trong năm 2018 vừa qua, tình trạng người dân nộp hồ sơ khiếu nại do tranh chấp pháp lý xảy ra phổ biến ở nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.
Tranh chấp do mập mờ pháp lý
Nhu cầu mua bất động sản để ở hoặc đầu tư trên địa bàn TP.HCM trong những năm qua luôn đạt mức tăng cao. Với nhu cầu đó của thị trường, các chủ đầu tư không ngừng chạy đua liên tục cung ứng ra thị trường các dự án bất động sản của mình, ngay cả những dự án chưa minh bạch về pháp lý cũng được rầm rộ rao bán.
Nhiều người dân là khách hàng tại các dự án bất động sản không minh bạch pháp lý này vô tình trở thành các nạn nhân vì không được cung cấp các thông tin chính xác của dự án từ các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó dẫn đến hàng trăm vụ tranh chấp của khách hàng với chủ đầu tư, giữa khách hàng với khách hàng.
Những tranh chấp xảy ra ở các dự án mập mờ pháp lý này thường liên quan đến tiến độ xây dựng dự án không đúng theo cam kết hợp đồng của chủ đầu tư với khách hàng; dự án ma (thường là những bãi đất hoang được vẽ thành các dự án căn hộ hình thành trong trương lai rồi nhận tiền đặt cọc của khách hàng khi dự án chưa được triển khai); bán trùng căn hộ cho nhiều người; thông tin quảng cáo về dự án không đúng như thực tế; dự án thế chấp ngân hàng…
Cụ thể, trong năm 2018 vừa qua một vụ việc tranh chấp pháp lý điển hình xảy ra tại chung cư Long Phụng Residence (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM). Sự việc tranh chấp tại dự án này do chủ đầu tư không thực hiện dự án đúng tiến độ như hợp đồng đã cam kết với các khách hàng mua căn hộ tại chung cư. Bên cạnh đó, dự án cũng bán trùng căn hộ cho nhiều người và thế chấp ngân hàng. Được biết, chung cư Long Phụng Residence là một dự án căn hộ hình thành trong tương lai.
Cũng liên quan đến vấn đề tranh chấp pháp lý tại các dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết trong năm 2018, tình hình tranh chấp xảy ra tại các chung cư có xu hướng tăng cao. Cụ thể trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1.000 chung cư thì có khoảng 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Có 34 chung cư có tranh chấp đến mức Sở Xây dựng phải xem xét giải quyết, trong đó, có khoảng 10 chung cư có tranh chấp gay gắt.
Tranh chấp chủ yếu xoay quanh các nội dung sau: Việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư; về sở hữu chung, sở hữu riêng; về chất lượng công trình; Về quản lý, khai thác, kinh doanh tại các không gian của chung cư;…
“Hết cửa” tồn tại
Để giải quyết tình trạng tranh chấp xảy ra tại các dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM không thông tin minh bạch, rõ ràng về tính pháp lý cũng như tiến độ thực hiện dự án, trong năm 2019 này UBND TP.HCM chỉ đao Sở Xây dựng phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng ứng dụng công nghệ để quản lý và cung cấp thông tin dự án đến người dân.
Động thái trên của UBND TP.HCM nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm hiểu thông tin khi thực hiện các giao dịch bất động sản. Theo đó, ứng dụng này dự kiến được đưa vào áp dụng trước ngày 28/2, trong đó thể hiện rõ tên dự án, vị trí, chủ đầu tư, quy mô, thời gian hoàn thành, tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó UBND thành phố đã giao Công an Thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản và xử lý theo quy định pháp luật.
Như vậy trong năm 2019 này, TP.HCM sẽ thực hiện siết chặt việc quản lý và cung cấp thông tin của các dự án bất động sản trên địa bàn đến với người dân, để người kịp thời nắm bắt thông tin chính thống các dự án từ cơ quan nhà nước. Việc này nhằm trách các tranh chấp liên quan đến pháp lý của dự án xảy ra về sau.
Những động thái trên của TP.HCM khép lại “cửa tồn tại” của các dự án bất động sản thiếu minh bạch thông tin, của các chủ đầu tư kinh doanh không uy tín luồn lách trục lợi từ khách hàng.