Trải qua niên độ 2022 - 2023 “ngọt ngào”, những doanh nghiệp mía đường đầu tiên đã ké lộ kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho niên độ mới. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh mùa vụ tiếp theo có phần thận trọng.
Kế hoạch lợi nhuận "đi lùi" tới 50-70%
Doanh nghiệp mía đường tiêu biểu là CTCP Mía Đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023, qua đó thông qua kế hoạch tổng doanh thu thuần xấp xỉ 1.046 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 39% so với thực hiện niên độ trước. Tuy nhiên, dù vừa báo lãi cao nhất lịch sử hoạt động trong niên độ 2022-2023, SLS đặt mục tiêu lãi sau thuế ở mức 137 tỷ đồng, giảm gần 74% so với con số thực hiện cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, phương án phân phối lợi nhuận niên độ 2022-2023 bằng tiền được nâng từ 100% lên 150%. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, doanh nghiệp này đã thực hiện chi trả cổ tức với tỷ lệ 100% bằng tiền cho niên độ 2021-2022.
Lên mục tiêu thận trọng không kém, CTCP Mía đường Cao Bằng (mã: CBS) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra giữa tháng 10 tới đây. Theo đó, Mía đường Cao Bằng đặt kế hoạch tổng doanh thu sản xuất đường hơn 252 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 49% so với thực hiện niên độ liền trước.
Tương tự, CTCP Đường Kon Tum (mã: KTS) lên kế hoạch doanh thu thuần gần 518 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 28 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và 27% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Thận trọng... trước những dự báo khó khăn về thị trường
Lần lượt đưa ra mục tiêu kinh doanh khá an toàn cho niên độ mới, Ban lãnh đạo của các doanh nghiệp mía đường đưa ra một số nhận định thận trọng.
Trước tiên, Mía đường Sơn La dự báo trước những khó khăn do thị trường, giá cả nguyên vật liệu, tác động của biến đổi khí hậu làm sụt giảm sản lượng mía. Công ty cho biết, bước sang năm 2023, ngành mía đường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, hiện tượng ElNino diễn ra khá nghiêm trọng khiến tình trạng khô hạn, nắng nóng của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc khá gay gắt. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, nhiều diện tích bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng vụ tới có khả năng giảm sâu.
Hơn nữa, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác,...
Tương tự, Đường Cao Bằng cho rằng bên cạnh những điều kiện thuận lợi vẫn còn tồn tại những yếu tố rủi ro như Chính phủ mở thêm hạn ngạch nhập khẩu đường, cơ chế kiểm soát đường lậu không chặt chẽ sẽ tạo cơ hội cho đường lậu vào chiếm lĩnh thị trường trong nước. Ngoài ra, vùng nguyên liệu của Công ty bị tư thương tranh mua làm thiếu hụt nguồn nguyên liệu, quy mô dây chuyển bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Mặt khác, Ban lãnh đạo Đường Kon Tum nhận định rằng kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường (hàng sản xuất xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất,…) trong nước vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nhiều vùng trồng mía nguyên liệu; đi kèm giá cả vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và các loại hóa chất công nghiệp tăng mạnh.
Vẫn còn động lực tăng giá trong dài hạn
Dù các doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh đầy thận trọng nhưng ngành mía đường vẫn được đánh giá đầy triển vọng trong dài hạn, nhờ giá bán liên tục đạt đỉnh.
Từ cuối năm 2022, giá đường thế giới liên tục tăng trước diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến nguồn cung ở các thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc sụt giảm. Giá mặt hàng này vẫn đang giao dịch trên đỉnh 12 năm trở lại đây, hiện ở ngưỡng quanh 26,5 cents/pound.
Giá đường thế giới ngày 2/10 trên đỉnh 12 năm
Để đảm bảo nguồn cung nội địa, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn đường niên vụ 2022 - 2023, giảm mạnh so với mức kỷ lục gần 12 triệu tấn trong niên vụ trước. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ sẽ chính thức cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10. Động thái tạm dừng xuất khẩu này của Ấn Độ diễn ra lần đầu tiên sau 7 năm, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đường trên thế giới dự đoán nguồn cung đường tiếp tục bị thắt chặt trong niên độ 2023-2024 bởi thời tiết khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng mía, cũng như giá dầu thô ở mức cao sẽ có một phần sản lượng mía đường chuyển thành nguyên liệu sản xuất Ethanol.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 87.000 tấn tăng 16,6% cho niên độ 2022/2023. Giá đường trong nước được dự báo nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô. SSI kỳ vọng giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía.
Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ít có tác động đến tiêu thụ đường trong nước. Vì vậy, đơn vị này cho rằng cũng cho rằng kết quả kinh doanh của ngành sẽ diễn biến khả quan trong thời gian tới.