Ngày pháp luật

Bị Shark Hưng nhận xét phải mất 20 năm mới thu hồi vốn, startup bán xe đạp thăng bằng ra về "tay trắng" tại Shark Tank

Giang Phạm

"Với bức tranh tài chính của Kiz, nếu kinh doanh tốt thì cuối năm thu về khoảng 12 tỷ đồng, lợi nhuận là 1 tỷ đồng. Kiz kêu gọi 8 tỷ đồng cho 30% thì tính trung bình phải mất 20 năm mới thu hồi vốn”, Shark Hưng nhận định trước khi từ chối đầu tư.

Ông Trần Quang Huy, Nhà sáng lập công ty cung cấp sản phẩm xe đạp thăng bằng Kiz đến với Shark Tank Việt Nam mùa 6 với mong muốn gọi số vốn 8 tỷ đồng cho 30% cổ phần.

Mô hình kinh doanh của Kiz bao gồm bán lẻ xe thăng bằng trẻ em; tổ chức các cuộc đua xe thăng bằng; dịch vụ tổ chức sự kiện đua xe thăng bằng cho trường mầm non; tổ chức mô hình sinh hoạt, đào tạo kỹ năng vận động, kỹ năng đi xe thăng bằng cho các bé.

Bị Shark Hưng nhận xét phải mất 20 năm mới thu hồi vốn, startup bán xe đạp thăng bằng ra về "tay trắng" tại Shark Tank - Ảnh 1

Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, kể từ khi thành lập vào năm 2016 đến nay, Kiz đã thu về tổng doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, chủ yếu đến từ bán lẻ xe thăng bằng, chiếm tỷ trọng khoảng 80%.

Nói về tiềm năng của thị trường, ông Huy ước tính với số lượng trẻ em Việt Nam đang là khoảng 6 triệu, nếu Kiz có thể bán cho khoảng 2% thì số xe bán ra sẽ đạt khoảng 120.000 xe.

“Trừ đi còn khoảng 100.000 xe, giá trị trung bình mỗi xe khoảng một triệu đồng thì doanh thu vào khoảng một tỷ đồng”, ông Huy cho biết. Cách lập luận này chưa đủ sức thuyết phục Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm.

Nữ "cá mập" cho rằng startup cần tính lại dung lượng thị trường bởi mức giá bán lẻ 45 USD thậm chí lên đến 100 USD sẽ chiếm tỷ trọng vài phần trăm trong GDP bình quân đầu người Việt Nam và sẽ ít người sẵn sàng chi ra con số đó.

Bị Shark Hưng nhận xét phải mất 20 năm mới thu hồi vốn, startup bán xe đạp thăng bằng ra về "tay trắng" tại Shark Tank - Ảnh 2

Đáp lại, ông Huy cho biết Kiz muốn phủ sản phẩm vật lý trước, sau đó sẽ xây dựng thêm các dịch vụ đi kèm. Với số vốn 8 tỷ đồng, nhà sáng lập Kiz muốn dùng cho việc thiết kế các sản phẩm, phụ kiện xoay quanh sản phẩm chính như: mũ, quần áo thể thao, giày thể thao,... và dùng cho mục đích quảng bá, cũng như xây dựng cộng đồng người dùng.

Ông Huy mạnh dạn đặt mục tiêu tới năm 2029, Kiz sẽ tiến hành IPO với định giá khoảng 700 tỷ đồng. Tuy vậy, với doanh số từ đầu năm 2023 đến này chỉ khoảng 6.000 - 7.000 chiếc xe, Kiz khiến nhà đầu tư nghi ngại, từ chối đầu tư.

"Muốn scale-up (mở rộng) thì phải xây dựng một bộ quy trình chuẩn hóa thì mới có thể quản trị được. Bản chất doanh nghiệp của bạn là đi buôn đồ chơi, mình đang làm hiệu quả thì mình cứ làm, và nó chỉ hiệu quả khi bạn tiếp tục làm siêu nhỏ như thế này thôi. Nếu bạn tăng quy mô lên thì chắc chắn bạn sẽ gặp vấn đề.

Tôi chấp nhận rủi ro nhưng phải có tiềm năng tăng trưởng vài chục đến cả trăm lần. Tôi không nhìn thấy cái tiềm năng đó ở doanh nghiệp của bạn", Shark Bình từ chối.

“Trên bức tranh tài chính như thế này, nếu kinh doanh tốt thì cuối năm thu về khoảng 12 tỷ đồng, lợi nhuận là 1 tỷ đồng. Bạn kêu gọi 8 tỷ đồng cho 30% thì tính trung bình chúng tôi phải mất 20 năm mới thu hồi vốn”, Shark Hưng cũng từ chối đầu tư.

Các vị "cá mập" còn lại cũng lắc đầu với Kiz và nhà sáng lập Trần Quang Huy ra về tay trắng tại Shark Tank Việt Nam mùa 6.

Tin Cùng Chuyên Mục